Đàn bà đi biển

Đàn ông trai tráng đi biển đã vất vả, đàn bà đi biển còn gian nan hơn nhiều. Thế nhưng, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) vẫn có nhiều phụ nữ đã cùng chồng 'đạp sóng' ra khơi. 'Đàn ông đi trên biển khỏe hơn rất nhiều, chứ đàn bà như mình khổ lắm! Giữa biển, những đêm mưa gió khổ đủ đường, chỉ mong trời sáng'.

Bà Võ Thị Dịu (51 tuổi) và bà Trương Thị Nở (56 tuổi) là hai trong số những người phụ nữ can trường ở làng chài Châu Thuận Biển. Họ luôn nặng tình với biển, bất chấp hiểm nguy để vươn khơi đánh bắt hải sản.

Nhọc nhằn mưu sinh

Vì cuộc sống mưu sinh, bà Dịu đã cùng chồng hơn 30 năm lênh đênh trên biển. Bà Dịu kể: Hằng ngày, cứ đến 3 giờ sáng, vợ chồng tôi đã thức giấc, chuẩn bị đồ nghề đi biển. Vừa lúc đó dọc bãi biển, hàng chục ngư dân cũng tập trung cho chuyến ra khơi đánh bắt.

Dù không biết điều khiển xe máy, nhưng khi đi biển, bà Trương Thị Nở vẫn có thể thay chồng cầm lái tàu.

Trên biển, vợ chồng bà thay phiên nhau người chèo thuyền, người buông lưới. Lúc mặt trời đứng bóng là đến giờ kéo lưới. Bà Dịu phụ chồng thu lưới, phân loại cá ngay trên thuyền, rồi khéo léo gỡ cá rồi cho vào lồng để đảm bảo cá vẫn còn tươi sống khi vào bờ.

Cố che áo kín người, nhưng gương mặt vẫn lấm tấm tàn nhang, cháy đen bởi gió biển. “Ngư dân cực lắm, phơi cả ngày, nắng gió táp vào mặt không kịp né. Chưa kể những ngày sóng lớn, những cơn nhào giật liên tục như muốn hất tung mình ra khỏi thuyền”, bà Dịu cho hay.

Thuyền cập bến, bà Dịu lại tất tả mang hải sản lên bán, mua nhu yếu phẩm hằng ngày rồi quay về lo cơm nước cho chồng con. Chiều lại cùng chồng vá lưới chuẩn bị cho chuyến biển trước lúc trời tối. Cứ như vậy, việc của phụ nữ làm nghề biển như một con thoi. Tuy vất cả nhưng các chị vẫn quyết tâm bám biển.

Tay thoăn thoắt vá lưới, bà Dịu chia sẻ: Đi biển cùng chồng cực khổ mấy tôi cũng chịu được bởi dù sao cũng sớt chia công việc nặng nhọc cùng chồng. Một năm có 365 ngày thì có đến 300 ngày bà lênh đênh trên biển cả. Nghề biển phập phù lắm. Có buổi kiếm được 200.000 - 400.000 đồng, nhưng cũng có khi 3 - 4 buổi liên tiếp chẳng kiếm được là bao, thậm chí chỉ đủ nấu bữa cơm.

TRƯƠNG THỊ NỞ

Đánh cược với sóng gió

Chiều trên cửa biển đông đúc thuyền bè. Những người phụ nữ dọn dẹp lại con thuyền, chuẩn bị thực phẩm cho chuyến vươn khơi mới. Đôi mắt các chị trũng sâu vì thiếu ngủ nhưng nụ cười luôn nở trên môi, bởi dẫu khổ cực thế nào chăng nữa, biển đã là một phần máu thịt của họ. Điều đó đúng với bà Nở - người phụ nữ đã có hơn 30 năm dong thuyền ra khơi. Chèo con thuyền thúng chở chúng tôi ra thăm thuyền cá của mình ở giữa sông, người phụ nữ ấy khéo léo điều khiển con thuyền lướt nhẹ trên mặt sông lộng gió.

Bà Nở bảo, đi biển như có “nghiệp” riêng, đã vượt sóng thì ít ai bỏ nghề được. Lấy chồng, đẻ liên tù tì ba đứa con, cứ nghĩ sẽ yên phận lên bờ, nhưng rồi đi riết cũng thành quen, ở nhà lại thấy chộn rộn chân tay. Vậy là chỉ trừ những lúc sinh đẻ, con thơ ốm đau, bà Nở mới chấp nhận lên bờ, còn lại cứ quanh năm bám biển. “Mà cũng tại cái khó, cái nghèo. Mình không đi thì lại tốn tiền thuê “bạn” thuyền. Mà đi thì lại có thêm người chăm lo việc hậu phương như cơm nước, sắp xếp trên tàu, đỡ lắm”, bà Nở cười hiền.

Gọi là lo “việc hậu phương” nhưng các ngón nghề trên biển như thả lưới, buông câu, lái thuyền... bà Nở đều rành rẽ cả. Tàu thuyền nhỏ nên mỗi bận đi lâu nhất cũng chỉ chừng 10 - 15 ngày, nhưng đó cũng là cả một thử thách lớn đối với người phụ nữ. Hơn 30 năm rồi, lần nào bước chân lên thuyền cũng cứ nôn nao, cồn cào gan ruột, nhưng một khi đã thành cái “nghiệp” thì phải suốt đời đa mang.

Với “nữ ngư dân” thì đối diện nhiều thách thức hơn: Ánh mắt chờ mong của những đứa con thơ phía trong bờ, hay chuyện thiếu thốn khi sinh hoạt trên tàu, rồi sức khỏe phải đủ để “trụ vững” trước sóng to gió lớn. Đôi tay cũng luyện tập thường xuyên để kéo những tấm lưới nặng trĩu. Bà Nở tâm sự: “Đàn ông đi trên biển khỏe hơn rất nhiều, chứ đàn bà như mình khổ lắm! Giữa biển, những đêm mưa gió khổ đủ đường, chỉ mong trời sáng”.

Suýt “nằm” lại biển mấy lần, ấy thế mà bà Nở chẳng hề biết sợ. Mới xém lật thuyền ngày hôm trước, hôm sau người dân làng biển lại thấy vợ chồng bà vác lưới ra biển như thường. Nhiều hôm đi biển về, bà mệt lử chẳng thiết tha ăn uống, nhưng rồi cám cảnh nghèo khó, bà lại mím môi gượng dậy để tiếp tục chặng đường mưu sinh...

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202009/dan-ba-di-bien-3020354/