Dân bản Tà Bán làm giàu với mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, người dân tại tại một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã phát triển các mô hình nuôi cá lồng thành công giúp nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo.

Từng thoát nghèo nhờ nghề nuôi cá lồng, anh Đinh Công Chức, bản Tà Bán (xã Trung Sơn, huyện biên giới Quan Hóa) - thành viên của Hợp tác xã Cựu chiến binh nuôi cá lồng chia sẻ, gia đình anh nuôi cá từ năm 2021, thay vì dùng luồng, tre, anh đã mạnh dạn đầu tư lồng bằng khung sắt để nuôi, vừa chắc chắn, lại tạo độ thoáng giúp cá sinh trưởng.

Tấm gương tiêu biểu

Anh Chức cho biết, nhờ nguồn nước tự nhiên, môi trường trong lành và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng và phát triển ổn định. Hàng năm, mỗi lồng cá cho thu hoạch đạt từ 40 đến 50 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 20 – 25 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá lồng tại bản Tà Bán (xã Trung Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Mô hình nuôi cá lồng tại bản Tà Bán (xã Trung Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Đến nay, sau gần 5 năm chăm chỉ làm ăn, không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại, anh đã trở thành một trong những người tiêu biểu của HTX làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng tại địa phương. Năm 2023, anh Đinh Công Chức được Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa trao tặng khen thưởng là “Tấm gương học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chia sẻ về những thành quả có được, anh Chức phấn khởi cho hay, từ khi được chính quyền tạo điều kiện và hợp tác xã hỗ trợ cách thức, kỹ thuật chăm sóc cá lồng, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng 6 lồng nuôi cá ở vùng ngập lòng hồ thủy điện. Ngoài ra, nhận thấy nhiều bạn trẻ có nhu cầu du lịch trải nghiệm lòng hồ, vợ chồng anh Chức đã tận dụng mặt bằng, dựng chòi trên lồng bè để làm điểm kinh doanh ẩm thực, đáp ứng nhu cầu ăn uống, trải nghiệm của du khách.

“Mô hình nuôi cá lồng kết hợp du lịch đã tạo điều kiện cho vợ chồng chúng tôi có công ăn, việc làm ổn định và gia tăng thu nhập, khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. Đây là điều kiện tốt về phát triển kinh tế, vợ chồng tôi tiếp tục học hỏi, xác định sẽ gắn bó lâu dài với mô hình này”, anh Chức chia sẻ.

Được biết, tại khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn hiện đang có gần 50 hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng với hơn 150 ô lồng, tập trung chủ yếu ở ngay lòng hồ. Khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn đang phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy mô hình hộ gia đình, hợp tác xã

Cũng là một trong những hộ đi đầu trong việc nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn, anh Nguyễn Biên Cương, bản Tà Bán, xã Trung Sơn cho biết, vào năm 2020 gia đình bắt đầu lên ý tưởng nuôi cá lồng. Ban đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn do đặt sai vị trí lồng nuôi nên vào mùa mưa bão hay bị dính rác, trôi. Tuy nhiên, được sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ xã và kỹ sư nhà máy thủy điện Trung Sơn, anh Cương đã di chuyển lồng nuôi vào vị trí hợp lý, nhờ đó cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Từ chỗ chỉ có 2 lồng, đến nay gia đình đang nuôi 9 lồng, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa với khối lượng khoảng 5-6 tấn cá thu hoạch rải rác trong năm. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong chăm sóc, mỗi năm thu nhập từ việc nuôi cá lồng của gia đình đạt từ 180 triệu đồng. Nuôi cá lồng đã trở thành ngành nghề mang lại thu nhập chính và ổn định cho gia đình anh.

Đánh giá cao mô hình HTX nuôi trồng thủy sản tại địa phương, ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư đảng ủy xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa cho biết, với ưu thế dòng nước sạch trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn, thức ăn cho cá chủ yếu là tận dụng sản phẩm từ nông nghiệp như cám, ngô, lá chuối, lá mía nên cá có chất lượng tốt, đầu ra ổn định. Bình quân 1 hộ nuôi cá lồng thu nhập trung bình khoảng 70-100 triệu đồng/năm khiến người nuôi rất phấn khởi.

Các thành viên của Hợp tác xã Cựu chiến binh nuôi cá lồng tại xã Trung Sơn phấn khởi, cùng phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Các thành viên của Hợp tác xã Cựu chiến binh nuôi cá lồng tại xã Trung Sơn phấn khởi, cùng phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Đại diện xã Trung Sơn thông tin, ngay sau khi Nghị quyết số 05/2022 ra đời, về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2030, cấp ủy, chính quyền ở Trung Sơn đã triển khai và tổ chức thực hiện.

Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện mục tiêu của Nghị quyết được thực hiện thường xuyên. Từ đó, phát hiện những thiếu sót trong triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ đầu tư cho phát triển các mô hình phát triển kinh tế. Kịp thời có các giải pháp điều chỉnh phù hợp đem lại hiệu quả cho mô hình.

Đặc biệt, vị đại diện xã ghi nhận vai trò của mô hình HTX, bởi muốn giúp dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, thì phải xuất phát từ các mô hình, dự án hoặc thành lập tổ hợp hay HTX. Khi có tổ hợp, hay hợp tác xã, thì các thành viên mới cùng nhau phấn đấu phát triển kinh tế và điều quan trọng hơn nữa là sẽ trở thành phong trào thi đua vươn lên thoát nghèo.

Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, năm 2023 xã Trung Sơn đã thành lập Hợp tác xã Cựu chiến binh nuôi cá lồng. Đến nay, đã có 16 hộ tham gia vào Hợp tác xã.

Tiếp tục mở rộng, thu hút các hộ dân tham gia HTX

Hợp tác xã dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cựu Chiến binh Trung Sơn được các thành viên đánh giá giống như “mái nhà chung” để những hộ nuôi cá hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, từ đó giúp tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau nhằm phục vụ, cung ứng giống cá, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ khác trên địa bàn.

“Hợp tác xã có 47 hộ tham gia, với hơn 150 lồng, bè cá. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 2,35 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các hộ dân tự đầu tư. Sản lượng cá thương phẩm xuất bán hằng năm đạt gần 60 tấn, ước đạt 3,85 tỷ đồng”, ông Tâm thông tin.

Theo thống kê của UBND xã Trung Sơn, những năm qua, mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn là hướng đi mới của người dân huyện miền núi Quan Hóa, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hiện địa phương đã lên kế hoạch thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, từng bước góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

“Chủ trương của xã là tiếp tục duy trì, phát triển mạnh mẽ HTX nuôi trồng thủy sản Trung Sơn, thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia. Với xu hướng HTX đang nghiên cứu, để nuôi thêm những giống cá hợp nguồn nước lòng hồ, cho giá trị sản phẩm cao để nhân rộng. Tiếp tục thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao cho các hộ dân theo mô hình. Phấn đấu mỗi năm xã Trung Sơn sẽ giảm được 5% hộ nghèo”, ông Ngô Sĩ Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) nói thêm.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/dan-ban-ta-ban-lam-giau-voi-mo-hinh-nuoi-ca-long-tren-ho-thuy-dien-1105799.html