Dán băng dính lên mặt để chống nếp nhăn có hiệu quả?

Dán băng chống nếp nhăn được cho là phương pháp trẻ hóa da tiết kiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo trào lưu làm đẹp 'gây bão' TikTok chỉ có hiệu quả tạm thời.

 Arielle Lorre (39 tuổi) cho biết cô ngừng sử dụng Botox hơn một năm qua và hiện chỉ sử dụng "face-tape" để kéo căng cơ mặt mỗi ngày. Ảnh: @Ariellelorre/TikTok.

Arielle Lorre (39 tuổi) cho biết cô ngừng sử dụng Botox hơn một năm qua và hiện chỉ sử dụng "face-tape" để kéo căng cơ mặt mỗi ngày. Ảnh: @Ariellelorre/TikTok.

Băng dán chống nhăn, loại băng được thiết kế để ngăn nếp nhăn hình thành và giữ da cố định, đang trở thành “thần dược” cho những ai muốn có làn da mịn màng mà không cần đến các phương pháp xâm lấn hoặc đắt đỏ như Botox.

Trào lưu dán băng chống nhăn, còn được gọi là “face-taping”, thực chất không phải là một xu hướng mới. Sản phẩm đầu tiên mang tên “Frownies” ra đời từ năm 1889, chỉ đơn giản là một tấm giấy có lớp keo dính kích hoạt bằng nước.

Ngày nay, các miếng dán chống nhăn được cải tiến với nhiều loại như miếng dán silicone, băng y tế, hoặc thậm chí là băng keo thông thường.

Theo bác sĩ da liễu Hannah Kopelman ở thành phố New York (Mỹ), miếng dán hoạt động bằng cách kéo căng da và hạn chế chuyển động của cơ mặt, từ đó làm giảm các nếp nhăn động xuất hiện khi chúng ta biểu cảm. Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn.

Mặc dù nhiều nhà sáng tạo nội dung khẳng định sự hiệu quả của miếng dán chống nhăn, các chuyên gia da liễu lại không mấy tin tưởng vào tác dụng chống lão hóa lâu dài của phương pháp này, HuffPost đưa tin.

Người dùng tài khoản @officiallyval cho biết chỉ cần dán băng vào mũi trước khi ngủ cũng có thể tạo hiệu ứng như nâng mũi. Ảnh: @officiallyval/TikTok.

Người dùng tài khoản @officiallyval cho biết chỉ cần dán băng vào mũi trước khi ngủ cũng có thể tạo hiệu ứng như nâng mũi. Ảnh: @officiallyval/TikTok.

Một số người có thể thấy da căng mịn hơn sau khi gỡ băng, nhưng bác sĩ da liễu Angela Casey ở bang Ohio (Mỹ) cảnh báo rằng tác dụng này sẽ biến mất ngay khi tháo miếng dán, bởi trọng lực và sự thay đổi kết cấu tự nhiên của da sẽ nhanh chóng làm mất đi hiệu quả.

Để hiểu tại sao dán băng không thể thay thế những phương pháp chống lão hóa đã được chứng minh như Botox hay retinoid, chúng ta cần hiểu rõ cách nếp nhăn hình thành. Các bác sĩ da liễu phân biệt hai loại nếp nhăn: động và tĩnh.

Nếp nhăn động xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt, chẳng hạn như vết chân chim khi cười hay các đường nhăn ở giữa trán khi cau mày. Khi ngừng cử động, những nếp nhăn này sẽ biến mất. Ngược lại, nếp nhăn tĩnh hình thành do lão hóa và không biến mất ngay cả khi mặt không cử động.

Bác sĩ da liễu Susan Massick, cũng ở bang Ohio (Mỹ), cho rằng mặc dù dán băng có thể giúp làm phẳng nếp nhăn động tạm thời, nhưng nó không thể tác động đến nếp nhăn tĩnh, vốn được hình thành do nhiều yếu tố như di truyền, ánh nắng, thói quen sống và sự thiếu hụt collagen.

Về lý thuyết, ngủ ngửa được xem là cách tốt nhất để tránh hình thành nếp nhăn, vì khi ngủ nghiêng hoặc nằm sấp, da mặt sẽ bị ép vào gối, tạo thành các nếp nhăn. Đối với những người không muốn từ bỏ thói quen ngủ nghiêng, họ có thể thử dùng miếng dán chống nhăn để hạn chế tác động này.

Tuy nhiên, bà Massick cho rằng hiệu quả của phương pháp này vẫn rất hạn chế và không thể đảo ngược tác động của việc ngủ nghiêng hay nằm sấp lâu dài.

Các video "trước" và "sau" khi sử dụng băng dán chống nhăn trên TikTok đã thu hút hàng triệu lượt xem. Ảnh: theaussierapunzel/TikTok.

Các video "trước" và "sau" khi sử dụng băng dán chống nhăn trên TikTok đã thu hút hàng triệu lượt xem. Ảnh: theaussierapunzel/TikTok.

Bà Kopelman chia sẻ rằng nếu ai đó dán băng mỗi tối trong nhiều năm, có thể sẽ thấy một chút cải thiện so với người không dán, vì đã giảm thiểu được các chuyển động cơ mặt lặp đi lặp lại gây ra nếp nhăn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giả thuyết.

Các chuyên gia khuyến cáo nếu muốn có phương pháp chống lão hóa hiệu quả, nên sử dụng các phương pháp đã được chứng minh như Botox hoặc các liệu pháp chăm sóc da chuyên sâu.

Dù không phải là phương pháp làm đẹp xâm lấn, nhưng miếng dán chống nhăn có thể không phù hợp với những người có làn da nhạy cảm hoặc mắc các bệnh lý da liễu như eczema, viêm da cơ địa hay rosacea.

Bác sĩ Massick cảnh báo rằng keo dính trên băng là tác nhân gây kích ứng phổ biến đối với da nhạy cảm, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng với keo dính.

Ngoài ra, đối với những người đang sử dụng các sản phẩm có hoạt chất mạnh như retinoid, hãy thận trọng khi sử dụng miếng dán. Vì các hoạt chất này có thể làm mỏng lớp bảo vệ da, khiến da dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với keo dính.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dan-bang-dinh-len-mat-de-chong-nep-nhan-co-hieu-qua-post1519915.html