Dân bất an vì sống trong vùng sạt lở nghiêm trọng

Sau 2 cơn bão số 4, 5 đi kèm với những trận mưa dồn dập đổ xuống các tỉnh khu vực Trung trung bộ, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia (Quảng Nam) càng trở nên nghiêm trọng. Nhất là đoạn chảy qua địa phận thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, H.Đại Lộc. Người dân nơi đây đang sống trong thấp thỏm âu lo bởi cả đêm lẫn ngày, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia liên tục đục khoét sâu vào bờ...

Cơ quan chức năng khảo sát hiện trường vụ sạt lở.

Cơ quan chức năng khảo sát hiện trường vụ sạt lở.

Chính quyền giăng dây cảnh báo vùng nguy hiểm

Ông Hứa Văn Hiệu, trú Phú Nghĩa, xã Đại An, cho biết: Hiện tại, khoảng cách từ mép nước Vu Gia đến nhà ông chỉ còn chưa đầy 10m. Nếu cứ theo “tiến độ” lở như hiện nay, chỉ vài ngày nữa, tất cả nhà cửa, vườn tược nhà ông sẽ nằm dưới lòng sông. Chỉ tính mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và số 5, sông Vu Gia đã "ngoạm" sâu vào bờ hơn chục mét. Cả cây số bờ kè bảo vệ hai bên bờ sông cũng bị đánh sập.

Ngoài gia đình ông Hiệu, hơn 10 gia đình khác cũng đang sống trong tình cảnh ngày ở, đêm đi sơ tán. “80 tuổi, hơn 50 năm về làm dâu, sinh sống tại mảnh đất này, lần đầu tiên tôi mới chứng kiến cảnh “thương hải biến vi tang điền”. Ùm, ùm. Từng mét đất cứ rơi xuống lòng sông, nghe mà rợn cả người!”- bà Bùi Thị Huệ (1942), trú cùng thôn với ông Hiệu rùng mình cho biết thêm.

Theo ghi nhận của PV Chuyên đề CATP Đà Nẵng, trong những ngày qua, lũ dữ đã đánh sập cả hai bên bờ kè dài gần 1km ở hai bên bờ sông Quảng Huế (chi lưu nối sông Vu Gia với sông Thu Bồn). Đặc biệt, phía bờ Bắc đã bị sạt lở gần 2ha đất tạo thành một vũng xoáy, kéo tuột đất sản xuất của người dân xuống sông. Theo bà Bùi Thị Huệ, nguyên nhân gây ra nạn sạt lở là do đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng. “Vì, khi chưa đắp đập thì không có vấn đề gì cả. Làm xong đập thì xuất hiện tình trạng sạt lở và ngày càng nghiêm trọng hơn”- bà Huệ lý giải.

Nỗi buồn của người dân.

Nỗi buồn của người dân.

Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông Quảng Huế đúng như lời người dân phản ánh. Để phòng chống, cơ quan chức năng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để ngăn chặn. Tuy nhiên, do năm 2022, mưa gió thất thường nên tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã triển khai phương án di dời xen ghép 7 hộ dân nằm gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Trước mắt, xã chưa có hỗ trợ gì cho bà con, nhưng sau này sẽ nghiên cứu hỗ trợ bằng nguồn xã hội hóa cũng như nguồn kinh phí đề nghị từ cấp trên. Hiện tại, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương tổ chức giăng dây, cảnh báo khu vực nguy hiểm…

Theo ông Lê Văn Quang- Chủ tịch UBND H.Đại Lộc, việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng là giải pháp hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, để khắc phục sự cố sạt lở tại xã Đại An, địa phương đã huy động lực lượng quân đội, dân quân cơ động cùng máy móc, vật tư… triển khai biện pháp dùng các bao tải cát, cọc tre nhằm giữ chân mái ta-luy bị sạt lở. Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lại đoạn kè này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan xem xét kỹ lại đập tạm trên sông Quảng Huế theo phương án xây dựng đập tạm như đập ngăn mặn, gồm 2 tầng (tầng 1: cho nước lưu thông bình thường vào mùa lũ; tầng 2 ngăn nước vào mùa nắng) để cung cấp nước cho TP Đà Nẵng vào mùa nắng.

Huy động lực lượng bộ đội, dân quân đắp đê bao cát tạm hạn chế sạt lở.

Huy động lực lượng bộ đội, dân quân đắp đê bao cát tạm hạn chế sạt lở.

Cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân thuộc diện di dời

Theo phản ánh của người dân nơi đây, tình trạng sạt lở khiến cho đất sản xuất cứ thế trôi tuột xuông lòng sông, nhà cửa của dân đang bị uy hiếp một cách nghiêm trọng. Đêm xuống, 17 hộ dân sống bên dòng sông Quảng Huế phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm. 7 hộ trong số đó thuộc diện di dời khẩn cấp vì tình trạng sạt lở bờ sông. Thế nhưng, chưa có hộ nào thực hiện vì không biết lấy đâu ra tiền để làm nhà mới…

Ông Hứa Văn Hiệu trăn trở chia sẻ: “Chúng tôi đang sống trong cảnh “ngày ở, đêm đi tránh” nhằm bảo toàn tính mạng… Cám ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ di dời tài sản đến nơi an toàn. Nhưng để “an cư, lạc nghiệp” ở vùng đất mới, chúng tôi lấy tiền đâu để làm nhà, lấy đất đâu để canh tác?”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, một trong những hộ dân nằm trong diện di dời khẩn cấp, cho biết: “Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, lại có 3 con đang đi học. Nếu phải di dời, gia đình tôi không có kinh phí để xây dựng nhà”.

Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho hay, trước mắt chỉ triển khai phương án di dời xen ghép cho 7 hộ dân thuộc vùng sạt lở theo diện khẩn cấp, chưa thể thực hiện việc hỗ trợ kinh phí vì địa phương còn quá khó khăn, phải nhờ đến sự hỗ trợ từ cấp trên.

Theo ghi nhận, 17 hộ dân tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An đang chịu thiệt hại do nạn sạt lở sông Quảng Huế gây ra là những hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Vì thế, ngoài việc đầu tư kinh phí để hạn chế sạt lở, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ di dời những hộ dân này đến nơi ở mới để giúp người dân an tâm an cư, lạc nghiệp.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dan-bat-an-vi-song-trong-vung-sat-lo-nghiem-trong-post268430.html