Đàn bầu - niềm đam mê của nhiều nghệ nhân Ninh Bình
Những năm gần đây, với sự quan tâm của ngành Văn hóa, việc bảo tồn âm nhạc truyền thống được khuyến khích, trong đó có việc khuyến khích sử dụng, truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống như: đàn nguyệt, nhị, trống, sáo trúc... Cùng với đó là việc nhiều CLB nghệ thuật truyền thống được thành lập và hoạt động giúp cho âm nhạc cổ truyền có điều kiện và môi trường bén rễ sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Trong số rất nhiều nhạc cụ dân tộc ấy, đàn bầu với tính năng độc đáo, âm thanh tuyệt vời của nó tạo nên sức hút đặc biệt với nhiều nghệ sỹ dân gian. Tại nhiều kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh, tiếng đàn bầu của nhiều nghệ sỹ dân gian đã khiến công chúng mê đắm. Nhiều tên tuổi nhạc công trở nên quen thuộc với công chúng yêu cổ nhạc như: Đào Ngọc Cát (Tam Điệp); Phạm Hồng Thắng (Hoa Lư); Đinh Công Toán (Nho Quan); Vũ Văn Khải (Yên Mô)... Nhạc công Đào Ngọc Cát với ngón đàn bầu tài hoa của mình, từng giành nhiều giải thưởng: Huy chương Bạc (1973), huy chương Vàng (1974) tại Hội diễn nghệ thuật toàn quân; huy chương Vàng độc tấu đàn bầu tiết mục "Vì miền Nam" tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2011; Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu "Trông cây lại nhớ tới Người" tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014...
Để chia sẻ niềm đam mê, sở thích của mình, gần đây ông Đào Ngọc Cát thường độc tấu đàn bầu rồi quay video chia sẻ trên mạng xã hội. Địa chỉ trang web của ông có hàng nghìn người yêu thích, theo dõi, chia sẻ. Có được những người bạn yêu thích âm nhạc như mình cùng tương tác, đã giúp người nghệ sỹ dân gian Đào Ngọc Cát nhân lên niềm vui, niềm lạc quan trong cuộc sống.
Ông Phạm Hồng Thắng, xã Ninh Khang (Hoa Lư) nổi danh với ngón đàn bầu nuột nà, mê đắm tại các mùa hội chèo, các đêm thơ, nhạc. Ông Thắng đã gắn bó với cây Độc huyền cầm từ thuở tráng niên nay đã tới tuổi lục tuần. Và có vẻ như tuổi càng cao thì niềm đam mê với cây đàn bầu càng lớn, ngón đàn của ông càng thêm điêu luyện. Ngón nghề tài hoa không chỉ giúp ông Thắng thành danh trong "nghề chơi" âm nhạc mà còn cho ông một sinh kế hữu hiệu.
Ông Phạm Hồng Thắng từng chia sẻ: Tôi tham gia văn nghệ từ lúc còn thanh niên, cũng chơi được nhiều loại nhạc cụ nhưng tôi thích nhất và sở trường của tôi là đàn bầu. Đàn bầu tuy chỉ có 1 dây, đàn cũng không chia khuông nhạc rõ ràng như các nhạc cụ hiện đại, nhưng tiếng đàn bầu có âm sắc riêng đặc biệt, chỉ những người chơi đàn nhiều mới cảm nhận được. Ai đã biết chơi đàn bầu, biết nghe được tiếng đàn sẽ cảm nhận hết cái hồn của nó. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người mệnh danh tiếng đàn bầu như hồn dân tộc, là một trong những nhạc cụ có tính thuần Việt.
Đàn bầu tuy chế tác đơn giản, chỉ có một dây, song tùy tài của người chơi đàn mà nó có khả năng đa thanh, phức điệu. Ngoài ra, đàn bầu dùng độc tấu cũng hay mà khi kết hợp với các nhạc cụ khác như: đàn nguyệt, nhị, trống, sáo, kèn Tàu... cũng rất dễ dàng. Thông thường trong các dàn nhạc truyền thống có một người chơi đàn bầu. Tiếng đàn bầu vừa hợp âm với âm thanh của các loại nhạc cụ khác lại vừa có âm sắc riêng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống thường sử dụng kết hợp đàn bầu, nhất là chèo, hát dân ca, chương trình ngâm thơ, hợp tấu nhạc cổ truyền... Âm thanh của tiếng đàn bầu trầm, buồn như gợi niềm tâm sự, rất dễ quyến rũ người nghe.
Khác với ông Thắng, những người như ông Đinh Công Toán, Vũ Văn Khải chỉ đến với đàn bầu vì niềm say mê. Họ chơi nhạc kiểu tài tử, tuy nhiên cây đàn bầu cũng mang lại cho họ nguồn vui không ít. Nhờ tiếng đàn bầu họ có những người bạn cùng sở thích, được mời tham gia các CLB văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Được chơi đàn, có những bạn đàn, những người yêu thích âm nhạc, tạo nên niềm vui không gì đo đếm được. Nhờ những người như họ mà âm nhạc truyền thống được bảo lưu, gìn giữ, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng không bị mai một.
Nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn nghệ thuật truyền thống cho các hạt nhân văn nghệ tại cơ sở. Đã có các lớp học được mở tại Yên Mô, Kim Sơn. Trong các lớp tập huấn đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh có mời các nhạc công có kinh nghiệm hướng dẫn cho các học viên cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, qua đó, phong trào chơi cổ nhạc có sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Bài, ảnh: Mai Phương