Dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc trong nghệ thuật đương đại

Các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đương đại mang âm hưởng đặc trưng của các dân tộc. Chất liệu dân gian cũng đem lại màu sắc riêng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giúp mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời luôn để lại những dấu ấn riêng, được khán giả nhiệt tình đón nhận.

Đồng bào dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai, gìn giữ nghệ thuật hát then, đàn tính.

Đồng bào dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai, gìn giữ nghệ thuật hát then, đàn tính.

Nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc Sơn La vốn rất đa dạng và phong phú. Mỗi dân tộc đều có các loại hình nghệ thuật với những nét đặc sắc riêng có, khó pha trộn trong tổng thể bức tranh đa sắc của văn hóa các dân tộc ở Sơn La. Nổi bật trong dân ca phải kể đến các làn điệu, như: Hát ru, đồng dao, hát thơ, hát giao duyên, hát mời rượu, mừng năm mới, hát đối đáp trong đám cưới... của dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường.

Dân nhạc truyền thống có các loại nhạc cụ vốn được coi như biểu tượng của văn hóa các dân tộc, như: Khèn, sáo, pí, khèn lá, trống, chiêng, chuông lắc, tù và, đàn tính tẩu... Dân vũ có các điệu múa điển hình, như: Xòe Thái, nhảy Tha Kềnh dân tộc Mông, múa chuông dân tộc Dao, múa “Au Eo”, “Hưn Mạy”, “Tăng Bu” của dân tộc Khơ Mú, La Ha... Những loại hình nghệ thuật này đã gắn bó và làm phong phú đời sống đồng bào các dân tộc ngàn đời nay, là một bộ phận không tách rời trong kho tàng nghệ thuật truyền thống nước ta.

Tác phẩm múa của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh phát triển từ điệu múa chuông dân tộc Dao

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thế Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, thông tin: Thời gian qua, đơn vị đã mời các nghệ nhân đến truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian theo hình thức truyền vai, truyền khẩu, truyền tay kết hợp với dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống. Dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống cũng luôn là nguồn tư liệu quý giá để các nhạc sĩ, biên đạo múa của nhà hát khai thác, sáng tạo, làm mới và nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Để có các tác phẩm mang linh hồn của nghệ thuật dân gian, các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát đã dày công sức tìm hiểu, nghiên cứu, thực địa tại cơ sở, học hỏi từ đồng bào, nhất là các nghệ nhân, chắt lọc tinh hoa trong các loại hình biểu diễn để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật đương đại mang âm hưởng dân tộc.

Không ít tác phẩm của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh đạt giải cao tại các hội diễn nghệ thuật toàn quốc, đem lại tiếng vang cho nghệ thuật chuyên nghiệp Sơn La, như: Tác phẩm múa “Giữa dòng Đà giang”, “Vui đón mùa mới”, “Khèn ngược”; tác phẩm âm nhạc độc tấu “khèn khóc”, ca khúc “Plứt sao sỏn pa”, “Noọng sao Tây Bắc”... Các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà hát luôn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân gian và hiện đại, kết hợp thêm cốt truyện, chủ đề hoặc tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống, được khán giả đón nhận.

Tác phẩm âm nhạc của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh phát triển từ dân ca dân tộc Dao

Tác phẩm âm nhạc của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh phát triển từ dân ca dân tộc Dao

Có thể thấy, dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc luôn có sức sống bền vững với thời gian, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào, là một phần quan trọng trong nền văn hóa ngàn đời của các dân tộc được lưu giữ đến hôm nay. Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Với đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai thì nghệ thuật hát then, đàn tính luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa. Khi thấy dân ca Thái, múa xòe, đàn tính xuất hiện trên sân khấu lớn, trong những bài hát, điệu múa, chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào và càng thêm yêu, thêm trân trọng văn hóa của dân tộc mình.

Những nghệ nhân như ông Điêu Văn Minh luôn nỗ lực hết mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ để bảo tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, đưa các trích đoạn hát then, thêm các nội dung mới với đề tài của đời sống hiện đại vào trong câu hát để biểu diễn trong các dịp phù hợp. Cùng với đó, các nghệ nhân kết hợp hát dân ca với múa then, đàn tính cùng các đội văn nghệ để xây dựng tiết mục biểu diễn trên sân khấu, phục dựng lễ hội truyền thống, giúp nghệ thuật trình diễn của dân tộc gần gũi hơn với khán giả, nhất là giới trẻ.

Tác phẩm múa lấy cảm hứng từ Lễ hội gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai.

Tác phẩm múa lấy cảm hứng từ Lễ hội gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đang triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022-2030. Với đề án này, ngành đang thực hiện các nội dung lồng ghép với nhiệm vụ công tác hằng năm của ngành với các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình trình diễn, biểu diễn mang bản sắc dân tộc theo định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, có ý nghĩa, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu sức hút đối với du khách.

Âm hưởng dân tộc cũng là chất liệu thường thấy trong những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam khi sáng tác về miền núi theo nhiều phong cách khác nhau. Điều đó càng cho thấy sức sống bền vững của nghệ thuật dân gian dân tộc trong dòng chảy thời đại, giá trị vẹn nguyên của các loại hình văn hóa truyền thống đại diện cho nguồn cội dân tộc vẫn đang được các thế hệ tiếp nối, gìn giữ và phát huy theo những cách thức riêng.

Bài, ảnh: Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/dan-ca-dan-vu-dan-nhac-dan-toc-trong-nghe-thuat-duong-dai-HVOR9PPSg.html