Đạn chùm Mỹ viện trợ cho Ukraine hoạt động như thế nào?
Ngày 7-7 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định gây tranh cãi về việc Mỹ sẽ cung cấp hàng nghìn bom chùm, đạn chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá khoảng 800 triệu USD.
Đây là loại vũ khí đang bị cấm tại hơn 100 quốc gia, bao gồm cả Pháp, Đức và Anh vì tính sát thương rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng dân thường, thậm chí rất lâu sau khi xung đột chấm dứt. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) thống kê, khoảng 10 đến 40% những quả đạn, bom nhỏ chưa nổ sau khi được giải phóng ra từ đạn, bom mẹ. Những quả bom, đạn nhỏ này có thể sẽ bị kích nổ do hoạt động dân sự hay sản xuất sau nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Các báo cáo cho thấy, 94% thương vong do bom chùm gây ra được ghi nhận là dân thường, trong đó gần 40% là trẻ em.
Theo Army Recognition, trong gói viện trợ này, Mỹ sẽ chuyển giao cho Ukraine đạn thông thường cải tiến đa dụng DPICM, hay còn gọi là đạn chùm.
DPICM là thuật ngữ chỉ chung các loại đạn pháo hoặc rocket mang đạn, được thiết kế nhằm phát tán đạn con để phát nổ trên phạm vi rộng lớn, có khả năng phá hủy xe tăng, thiết giáp, cơ sở hạ tầng và gây thương vong lớn về người. Loại đạn chùm này có thể phóng đi từ nòng pháo, bệ phóng rocket hoặc thả từ máy bay.
Theo các nhà phân tích và các chuyên gia, đạn chùm Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine có thể là đạn M864. Loại đạn chùm này là đạn pháo 155mm mang theo các loại đạn con M42 và M46. Mỗi quả đạn M864 có thể mang theo tổng cộng 72 quả đạn con có đường kính 82mm, nặng 210g. Trong đó có 48 đạn con M42 và 24 đạn M46. Đạn M42 nằm ở phía trước giúp tăng khả năng phân mảnh, đạn M46 ở phía sau giúp tăng tính sát thương.
Ngòi nổ của đạn con thường được kích hoạt trong khi rơi, cho phép nó phát nổ trên không trung hoặc trên mặt đất. Mỗi quả đạn con được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT), bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ. Mỗi quả đạn con có phạm vi sát thương trong khoảng 10m2. Do đó mỗi quả đạn có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000m2, tùy thuộc vào độ cao quả đạn khi giải phóng ra đạn con.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Biden thừa nhận đây là “một quyết định khó khăn”, ông đã “suy nghĩ và cân nhắc khá lâu trước khi đưa ra quyết định vì “Ukraine đang cạn kiệt đạn dược” và quyết định này chỉ được đưa ra sau khi Mỹ đã thảo luận với các đồng minh.
THẾ TRUYỀN (Tổng hợp)