Dân chung cư Hà Nội xếp hàng dài hóa vàng ngày ông Công ông Táo

Để có thể hóa vàng tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, tại các tòa chung cư ở Hà Nội, người dân đã phải xếp hàng dài và chờ đợi khá lâu mới tới lượt.

Ngay từ sáng sớm 23 tháng Chạp, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã phải xếp hàng để chờ tới lượt làm lễ hóa vàng tiễn ông Công, ông Táo lên trời

Ngay từ sáng sớm 23 tháng Chạp, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã phải xếp hàng để chờ tới lượt làm lễ hóa vàng tiễn ông Công, ông Táo lên trời

Theo quan niệm dân gian, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bên bếp lửa. Trong ngày ông Táo về trời, người Việt thường thả cá chép với quan niệm từ bi, đồng thời mọi người cũng coi phóng sinh cá chép trong ngày này, cá sẽ hóa rồng (cá hóa long) vượt vũ môn làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.

Ngoài phong tục thả cá chép, người dân thường đốt vàng mã làm lễ trong những ngày này. Đi qua các con phố, ngõ ngách tại Hà Nội, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân đốt vàng mã dọc đường, khói bay khắp phố.

Đáng chú ý, tại các khu chung cư của Hà Nội, người dân phải xếp hàng dài và chờ đợi khá lâu để tới lượt mình hóa vàng để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Nhiều con phố của Hà Nội ngày hôm nay đều "đỏ lửa" tiễn ông Công ông Táo về trời

Nhiều con phố của Hà Nội ngày hôm nay đều "đỏ lửa" tiễn ông Công ông Táo về trời

Chia sẻ với PV, anh Đình Việt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh đã chờ đợi hơn 10 phút để tới lượt mình đốt vàng mã nhân ngày ông Táo về trời để cầu cho một năm mới sắp tới gặp nhiều may mắn, tài lộc. Công việc này năm nào cũng được gia đình anh và người dân nơi đây thực hiện.

"Việc đốt vàng mã là để cầu may mắn, mong một năm mới sắp tới thuận lợi. Theo bản thân tôi thì không nghĩ việc đốt vàng mã không đến mức quá nguy hiểm, chủ yếu là do người đốt có cẩn thận và chuẩn bị lò đốt hẳn hoi hay không. Nếu ai cũng có ý thức đốt cẩn thận thì tôi tin là không xảy ra chuyện gì đáng tiếc", anh Việt chia sẻ.

Người dân tấp nập đốt vàng mã với số lượng lớn

Người dân tấp nập đốt vàng mã với số lượng lớn

Khói lửa bay nghi ngút

Khói lửa bay nghi ngút

Nhận xét về việc làm của các hộ gia đình về việc hóa vàng ngày ông Công, ông Táo, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Đình Sơn cho biết, từ thời thượng cổ con người đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đất, nước, mặt trời... để cầu mong bình an.

Dần dần, việc tôn thờ này trở thành tín ngưỡng dân gian thờ cúng các thần linh như ông Công, ông Táo, Thần Tài. Trong đó, ông Công, thần đất, là vị thần gần gũi nhất phù hộ cho gia đình. Ông Táo là vị thần chuyên quản việc nấu nướng, ăn uống.

Tết ông Công ông Táo đã có lịch sử mấy nghìn năm với mục đích sâu xa là nhắc nhở mọi người biết sống theo đúng luân thường, đạo lý. Tuy nhiên ngày nay cuộc sống hiện đại chuộng hình thức, khoe mẽ làm làm phai nhạt các giá trị truyền thống. Hàng năm đến dịp này lại dậy sóng việc đốt vàng mã tràn lan và phóng sinh bừa bãi.

Theo ông Sơn, hóa vàng và thả cá là hai tập tục dân gian đã có từ lâu. Người dân được hóa vàng theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên không nên hóa vàng theo kiểu đốt quá nhiều làm ô nhiễm môi trường. Riêng trong Phật giáo luôn căn dặn tín đồ không nên hóa vàng mã.

Các lò đốt đều ‘quá tải’ người dân đốt cả ra bên ngoài lòng đường

Các lò đốt đều ‘quá tải’ người dân đốt cả ra bên ngoài lòng đường

Những chiếc lư hóa vàng lửa cháy ngùn ngụt

Những chiếc lư hóa vàng lửa cháy ngùn ngụt

Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng giữ gìn truyền thống là việc nên làm. "Đằng sau thực hành thả cá chép, cúng ông Công ông Táo không phải đơn thuần thả một con cá hay đốt vàng mã. Nó còn rất ý nghĩa trong việc phát triển nhân cách, đạo đức của người Việt", ông nói.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông Sơn mong muốn người dân thực hành các nghi lễ truyền thống.

"Tuy nhiên chúng ta cần hiểu cái cần gìn giữ là tinh thần, chứ không phải hình thức. Đốt vàng mã cũng chỉ là tượng trưng, là cách chúng ta liên hệ thần linh, là niềm tin vào may mắn, hay các giá trị khác; chứ không phải đốt vàng mã nhiều, thả cá chép to sẽ may mắn hơn người đốt ít, thả cá chép nhỏ", ông Sơn nói.

Vì thế người dân nên thực hành nghi lễ văn minh, đốt vàng mã giữ gìn vệ sinh, tránh cháy nổ. Thả cá sao cho cá phải sống, không bỏ túi nilon, rác, ảnh hưởng đến môi trường.

Theo ông Sơn, khi ta thực hành cũng giáo dục con người những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc, từ đó văn hóa được tiếp nối, hình thành nên sự tự tin, bản lĩnh của con người Việt Nam để hội nhập tốt hơn.

"Giá trị văn hóa dân tộc ẩn chứa sau những phong tục tập quán", Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dan-chung-cu-ha-noi-xep-hang-dai-hoa-vang-ngay-ong-cong-ong-tao-d188399.html