Dân cư Cao Bằng - bức tranh đa sắc màu

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giớ, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…, với kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc bởi các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực. Đây là thế mạnh để Cao Bằng phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, giúp du khách khám phá giá trị văn hóa nguyên sơ của các dân tộc.

Theo số liệu thống kê, dân số trung bình năm 2023 của toàn tỉnh ước tính 547.879 người, trong đó, dân số thành thị 139.540 người, chiếm 25,5%; dân số nông thôn 408.339 người, chiếm 74,5%; tỷ số giới tính của dân số là 101,2 nam/100 nữ. Toàn tỉnh có 27 dân tộc sinh sống, trong đó 7 dân tộc có số dân từ 500 người trở lên, là dân tộc Tày chiếm tỷ lệ 40,84%; Nùng chiếm 29,81%; Mông chiếm 11,65%; Dao chiếm 10,36%; Kinh chiếm 5,12%; Sán Chỉ chiếm 1,49%; Lô Lô chiếm 0,54%, Hoa 0,02%; các dân tộc khác 0,17%. Dân cư tỉnh Cao Bằng phân bố không đồng đều, cư trú xen kẽ lẫn nhau, giữa các dân tộc có sự chênh lệch lớn về sự phát triển. Các dân tộc Kinh, Tày, Nùng chủ yếu sinh sống ở những thị trấn, Thành phố và các thung lũng ven sườn đồi, những nơi có địa hình thuận lợi cho giao lưu, trao đổi hàng hóa; các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ chủ yếu cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao có địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại, đời sống đồng bào còn khó khăn. Tuy vậy, vẫn hình thành những khu vực cư trú, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo khác nhau. Những nét văn hóa điển hình được thể hiện rất đa dạng qua cuộc sống thường nhật (ăn, mặc, ở, lao động sản xuất). Song, để nhận biết và phân biệt rõ nét từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số chính là bộ trang phục truyền thống.

Phụ nữ Dao đỏ xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình. Ảnh: M.T

Phụ nữ Dao đỏ xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình. Ảnh: M.T

Những năm trước đây, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên trung bình năm tương đối cao. Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, mức sinh giảm nhanh. Mặt khác việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc giảm đáng kể mức tử vong. Trong nhiều năm, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên khá cao nhưng tốc độ gia tăng dân số thấp vì cường độ di cư khá lớn. Do đất canh tác ít, thiếu việc làm nên một số đồng bào dân tộc tại các huyện di cư vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Trước thực tế đó, công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư được các cấp, các ngành và địa phương tích cực triển khai, nhân dân đồng tình ủng hộ, từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có sự thay đổi so với năm trước do năm 2023 có sự điều chỉnh mới về mức lương cơ bản cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho người lao động khu vực Nhà nước ổn định làm việc. Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định và thực hiện hiệu quả.

Từ Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, năm 2023, tỉnh được phân bổ hơn 53,7 tỷ đồng (trong đó có 17 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2022 chuyển sang, vốn của năm 2023 là hơn 36,7 tỷ đồng). Hiện nay, có 8 dự án bố trí dân cư, dự án định canh, định cư, ổn định dân cư, chuyển tiếp từ năm 2022 tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Quảng Hòa, Thạch An. Các dự án đang tiếp tục triển khai theo đúng tiến độ. Công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư được các cấp, các ngành và địa phương tích cực triển khai, nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước…); thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi như: Chương trình 30a, 135, chính sách hỗ trợ di dân cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh tập trung nguồn lực khoảng 232,7 tỷ đồng hỗ trợ xóa 6.110 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Trong đó, năm 2022, tỉnh hỗ trợ 110,7 tỷ đồng thực hiện 2.885 căn nhà. Năm 2023, tỉnh hỗ trợ 122 tỷ đồng thực hiện 3.225 căn nhà. Qua đó, đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Quyết định 1486/QĐ-TTg 2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn bố trí ổn định dân cư theo hướng tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sinh kế cho người dân; hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Phát triển 13 trung tâm cụm xã trên cơ sở cải tạo, xây dựng các chợ, cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ sở văn hóa cộng đồng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ của một số xã. Các trung tâm xã là trung tâm kinh tế, văn hóa, có các công trình văn hóa thể thao, các công trình hạ tầng khác như bưu điện, chợ, sân thể thao xã… được xây dựng theo quy chuẩn và được bố trí ở khu vực thuận tiện với các thôn, xóm trong bán kính khoảng 2 km. Các trung tâm thôn có nhà văn hóa thôn, trường mầm non... được bố trí tập trung kết hợp với các không gian công cộng, nghỉ ngơi để tạo không gian trung tâm cho thôn.

Minh Huệ

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dan-cu-cao-bang-buc-tranh-da-sac-mau-3170831.html