Dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển đúng định hướng

Ngày 30.4 là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của đất nước. Kể từ đây, nước Việt Nam thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới. Từ đó, chúng ta đang dần hoàn thiện tư duy, nhận thức để tìm con đường đưa đất nước vượt qua nghèn nàn, lạc hậu, trở thành một nước phát triển, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong tư duy đổi mới đó, phải kể đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một Nhà nước kiến tạo phát triển, trong đó vai trò của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đổi mới, vì dân có tính quyết định.

Tạo thể chế, môi trường, định hướng phát triển

Các nhà kinh tế nghiên cứu, phân tích từ mô hình nhà nước của Nhật Bản, Hàn Quốc những năm cuối thế kỷ XX và đưa ra khái niệm "Nhà nước kiến tạo phát triển" để chỉ sự khác biệt với mô hình "nhà nước Xô Viết" của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và mô hình "nhà nước điều chỉnh" của các nước tư bản phát triển. Nhà nước kiến tạo phát triển không phải là một thể chế chính trị mà là một mô hình quản lý của Nhà nước.

Các đại biểu dự Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 tổ chức ngày 18.9. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 tổ chức ngày 18.9. Ảnh: Lâm Hiển

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra cách hiểu chung nhất: Nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình quản lý nhà nước, trong đó nhà nước đề ra các thể chế mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đồng thời, nhà nước tăng cường giám sát để phát hiện và khắc phục kịp thời các mất cân đối có thể xảy ra nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững. (Nguyễn Văn Quang,Học viện Chính trị khu vực III.2022).

Hiểu một cách đơn giản, lấy ví dụ trong bóng đá: Nhà nước kiến tạo phát triển, đó là một mô hình thể chế mà Nhà nước “nâng bóng” còn nhân dân “ghi bàn” (Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - 2016). "Nâng bóng" chính là tạo thể chế, môi trường, định hướng phát triển và điều chỉnh; "ghi bàn" chính là nhân dân, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp... thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội trong khuôn khổ thể chế và định hướng của Nhà nước.

Như vậy, Nhà nước kiến tạo phát triển có các đặc trưng: Thứ nhất, Nhà nước chủ động định hướng phát triển, chủ động can thiệp và phù hợp với thị trường, đây chính là quan điểm xuyên suốt của công cuộc đổi mới là "phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", đó là sự can thiệp của Nhà nước một cách chủ động và phù hợp với thị trường. Thứ hai, Nhà nước kiến tạo phát triển với vai trò định hướng và dẫn dắt, cần đạt những yêu cầu: (1) Nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng với một đội ngũ cán bộ ưu tú, hướng tới mục tiêu phát triển, có đủ khả năng để dẫn dắt, ảnh hưởng và tạo điều kiện cho sự phát triển; (2) Nhà nước phải có đội ngũ công chức chuyên nghiệp, lành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; (3) Nhà nước có năng lực quản lý kinh tế tốt (ở tầm vĩ mô), có khả năng tạo ra sự hài hòa giữa khu vực công và khu vực tư, điều hòa được lợi ích giữa hai khu vực; (4) Nhà nước kiến tạo phát triển sẽ sử dụng quyền lực của mình để áp đặt ở mức độ nhất định đối với xã hội.

Thứ ba, Nhà nước kiến tạo phát triển luôn duy trì sự phát triển cân bằng,có khả năng: (1) chủ động điều phối, kết nối thu hút các nguồn vốn đầu tư trong phạm vi quốc gia; (2) có các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn; (3) chủ động trong xây dựng các thể chế thúc đẩy tăng trưởng và phát triển; (4) đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết hài hòa các mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm, các thành phần có lợi ích khác nhau trong xã hội.

Với những đặc trưng, yêu cầu trên đây, chúng ta càng thấy rõ vai trò của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển.

Bảo đảm sự tham gia của người dân

Xét ở góc độ xây dựng thể chế, kể từ khi lập nước (1945), nước ta đã ban hành 5 bản Hiến pháp (năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 có sửa đổi bổ sung vào năm 2001 và Hiến pháp năm 2013). Mỗi lần sửa đổi, bổ sung ban hành Hiến pháp mới, cũng là những nấc thang lớn vươn tới dân chủ và Nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện sự nhận thức, tiếp cận ngày càng đầy đủ hơn học thuyết về nhà nước pháp quyền hiện đại. Những tư tưởng về dân chủ, quyền lực Nhân dân, sự ràng buộc quyền lực nhà nước bởi Hiến pháp và pháp luật, sự kiểm soát quyền lực nhà nước, sự thượng tôn pháp luật... vốn là các nguyên tắc sống còn của Nhà nước pháp quyền, được Hiến pháp nước ta thể hiện nhất quán theo hướng ngày càng đầy đủ và có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm thực hiện.

Cùng với xây dựng, sửa đổi và ban hành Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng đang được Quốc hội hoàn thiện một cách chủ động, tích cực. Qua mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, số lượng các văn bản luật được ban hành được tăng lên, chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng bảo đảm, phù hợp, sát với thực tế, đáp ứng sự phát triển đất nước trong quá trình đổi mới. Sự phối hợp, gắn kết giữa hai nhánh chính quyền Nhà nước (Quốc hội và Chính phủ) trong xây dựng thể chế ngày càng hiệu quả.

Về góc độ mở rộng dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật rất quan trọng. Chỉ có mở rộng dân chủ chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia của người dân, chúng ta mới có thể làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn. Tham vấn người dân trong việc ban hành chính sách, pháp luật là việc đang được Quốc hội triển khai chủ động, nhất là việc tổ chức các diễn đàn kinh tế - xã hội thường xuyên hơn. Qua đó, Nhân dân, các nhà khoa học cả trong và ngoài nước đã đề xuất tham gia nhiều ý tưởng, ý kiến quý cho sự phát triển đất nước; những bộ luật quan trọng liên quan, tác động phạm vi rộng đến người dân, doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đều tổ chức lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân... Tuy nhiên, hiện tượng lấy ý kiến một cách hình thức, lấy ý kiến để hợp thức hóa ý muốn chủ quan của cơ quan soạn thảo cần phải được khắc phục.

Ở góc độ minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước kiến tạo phát triển. Hoạt động trả lời chất vấn và giải trình của người đúng đầu cơ quan hành chính nhà nước trước Quốc hội cũng như HĐND các cấp đã và đang được thực hiện nghiêm túc, ngày càng hiệu quả. Qua đó, làm cho chính sách, hành động của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương trở nên rõ ràng, minh bạch không chỉ với các đại biểu dân cử, mà còn với đông đảo cử tri và nhân dân.

Trọng tâm là giám sát tuân thủ Hiến pháp, pháp luật

Để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ràng buộc Nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng cơ quan nhà nước, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Quốc hội, HĐND phải đặt trọng tâm vào việc giám sát tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Chính phủ và các cơ quan công quyền các cấp. Xây dựng hệ thống tư pháp theo hướng chuyên môn hóa, tăng tính độc lập để tăng hiệu quả tư pháp, thực sự thượng tôn pháp luật. Chúng ta đang thực hiện cải cách tư pháp, nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập, hiệu lực chưa cao.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước biết tạo sự cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên. Quốc hội cần thúc đẩy hơn nữa Chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát chặt chẽ những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, giảm sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính chuyên nghiệp, lấy nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; tiếp tục nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Hy vọng, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đổi mới, vì dân, Quốc hội ngày càng rõ vai trò và góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Nhà nước kiến tạo phát triển để dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội nước ta đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

LƯƠNG ANH TẾ, NGUYÊN CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH HẢI DƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dan-dat-thuc-day-su-phat-trien-dung-dinh-huong-i326098/