Dân đi cùng chỉ đường, cán bộ vẫn không dám vào rừng kiểm tra vì sợ hổ vồ

Được người dân cung cấp thông tin và đề nghị vào rừng xác minh hổ xuất hiện, nhưng Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh không dám vào rừng vì sợ bị hổ vồ.

Lán lấy mây của 4 người phụ nữ Vân Kiều ở thượng nguồn suối Chà Cùng. Lán cách nơi chị Tha, chị Vinh thấy hổ khoảng 300m

Lán lấy mây của 4 người phụ nữ Vân Kiều ở thượng nguồn suối Chà Cùng. Lán cách nơi chị Tha, chị Vinh thấy hổ khoảng 300m

Ngày 8-6, ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, nhận tin báo hổ xuất hiện nhưng Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh chỉ lên nhà trưởng bản, sau đó mời người dân đã thấy hổ đến nói chuyện rồi trở về. Cán bộ không vào rừng do sợ bị hổ vồ.

Theo chị Hồ Thị Tha và Hồ Thị Vinh, 2 người thấy cá thể nghi là hổ, dù bận nhiều việc, nhưng các chị sẵn sàng đến làm việc khi được mời tới nhà trưởng bản. Các chị đã nghĩ rằng cán bộ sẽ cùng mình vào lán lấy mây để tìm dấu chân hổ, nhưng cán bộ không dám đi vì sợ hổ.

Trả lời sự việc này, ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết, ông không cần báo cáo với ai việc vào rừng hay không.

 Chị Tha (áo đen), chị Vinh (áo đỏ) là 2 người xác nhận thấy cá thể nghi là hổ, bỏ việc để dẫn cán bộ vào rừng xác nhận dấu chân nhưng cán bộ bảo vệ rừng không dám vào rừng vì sợ hổ vồ

Chị Tha (áo đen), chị Vinh (áo đỏ) là 2 người xác nhận thấy cá thể nghi là hổ, bỏ việc để dẫn cán bộ vào rừng xác nhận dấu chân nhưng cán bộ bảo vệ rừng không dám vào rừng vì sợ hổ vồ

Trong diễn biến khác, ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn đã ký công văn đề nghị UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh phối hợp các tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã có phương án đặt bẫy ảnh để theo dõi, giám sát, phát hiện các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này.

Theo báo cáo, lúc 12 giờ ngày 21-5-2024, chị Vinh cùng chị Tha và 2 người phụ nữ khác ở bản Trung Sơn vào khu vực rừng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh để lấy mây.

Quá trình đó, chị Vinh phát hiện 1 cá thể nghi là hổ, lông màu vàng, có sọc đen cách chị khoảng 30m. Sau đó, chị chạy về lán, thông báo với chị Tha nhưng chị Tha không tin. Một lúc sau, chị Tha đi hái rau rừng thì giáp mặt với cá thể nghi là hổ, cách chừng 20m.

Nơi phát hiện cá thể nghi là hổ cách điểm du lịch suối Chà Cùng khoảng 300m, thuộc tiểu khu 383 do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý. Đến ngày 3-6, một người dân khác vào rừng, đến khu vực này cũng nghe tiếng hổ gầm.

Thời gian tới, UBND xã Trường Sơn tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng và người dân kiểm tra khu vực này để phát hiện, theo dõi dấu vết của các loài động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo an toàn cho người dân khi đi rừng.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, do sự biến động của môi trường sống như hiện tại thì khả năng có hổ di cư từ vùng rừng giáp ranh giữa Lào và Thái Lan qua khu vực này hoàn toàn có thể xảy ra. Quan trọng nhất là cảnh báo cho người dân để đảm bảo an toàn khi đi rừng.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dan-di-cung-chi-duong-can-bo-van-khong-dam-vao-rung-kiem-tra-vi-so-ho-vo-post743646.html