Dân Hà Nội đi bộ đi làm, đọc sách trên tàu điện ngầm?
Nếu hạn chế xe cá nhân, người dân HN sẽ được đi bộ đi làm, hoặc vừa đi tàu điện ngầm vừa đọc sách.
Ùn tắc đang rất nghiêm trọng
Sáng 4/7, tiếp tục phiên họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận và quyết nghị Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Trình bày báo cáo về Đề án, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội đã được quy hoạch và tập trung nguồn lực đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh. Trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, 485.955 ô tô (chưa kể việc tham gia của khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.
Tình trạng đó khiến ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào thành phố Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thực tế việc quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ còn nhiều bất cập như: quản lý phát triển về số lượng phương tiện mới chỉ có quy định đối với xe taxi, các loại xe còn lại chưa có quy định quản lý cụ thể; các biện pháp thuế, phí, lệ phí chưa đủ mạnh để tác động đến sự phát triển số lượng và hoạt động của các loại phương tiện giao thông đường bộ. Việc điều tiết, cấm hoạt động đối với một số loại phương tiện giao thông còn ở phạm vi hẹp...
Do vậy, ông Viện nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” là hết sức cần thiết.
"Đa số người dân không cần thiết phải đi xe máy"
Thảo luận về đề án này, ĐB Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) cho biết đồng tình với đa số mục tiêu và các giải pháp đề án nêu ra. Tuy nhiên, ông Minh lưu ý mục tiêu quan trọng khác cần bổ sung vào đề án là giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo ông Minh, từ nay đến năm 2030 còn 13 năm nữa, trong khoảng thời gian đó Hà Nội sẽ làm được rất nhiều việc theo Đề án nêu ra, khi đó cơ sở hạ tầng GTVT sẽ phát triển, sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều tuyến đường hay các tuyến đường sắt đô thị.
Vị Đại biểu này cũng đưa ra viễn cảnh, nếu thực hiện được đề án quản lý phương tiện cá nhân thì kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ phát triển, có nhiều tuyến đường sắt hay tuyến BRT thì người dân sẽ được tiếp cận phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, nếu vị trí nào cũng đảm bảo dân sẽ được tiếp cận các ga đường sắt, lúc đó, vì mục đích ATGT, giảm TNGT và vì văn minh đô thị, đa số người dân sẽ chọn phương thức vận tải hành khách công cộng số lượng lớn của thành phố, và không cần thiết phải đi xe máy.
"Khi ấy, lúc đi làm hay tan công sở, người dân sẽ được đi bộ, tập thể dục, đây là thói quen tốt. Hay sẽ có cảnh vừa đi tàu điện ngầm vừa đọc sách, giao tiếp văn minh trên các phương tiện giao thông công cộng" - ông Minh nói.
"Cần một Hà Nội mới bên cạnh Hà Nội cũ"
ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) đánh giá cao tính khả thi, được coi là tiên phong đột phá của đề án.
ĐB này đề nghị có các đề án cụ thể để tương thích đồng bộ, trong quản lý phương tiện giao thông thì đưa ra khung chung là dần giảm, hạn chế và dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội đô đến 2030, nhưng cần xác định khu vực hạn chế phương tiện xe gắn máy gắn với phạm vi, khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng hơn là phân theo địa giới hành chính.
ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) lưu ý việc hạn chế phương tiện cá nhân phải thực hiện dần chứ không cấm đột ngột vào năm 2030.
Về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, ông Hoàn cho rằng rất cần thiết, cần thực hiện ngay.
Nhưng nói về giải pháp dài hạn, giải quyết tận gốc, ĐB này lại bày tỏ chưa an tâm với giải pháp thành phố đưa ra.
"Quỹ kinh phí thực hiện như 1 bát cơm cho 1 người ăn, nhưng nếu để cho 3 người ăn thì quỹ đó không đủ. Chúng ta cần xây dựng một Hà Nội mới bên cạnh Hà Nội cũ, xây dựng cả giao thông ngầm, giao thông đường bộ đúng như hệ thống giao thông đô thị trên thế giới" - ông Đoàn nói.