Dân Hà Nội kêu trời vì 'khát' nước nhiều ngày
Trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), nhiều hộ dân đang phải sống trong cảnh khốn khổ vì tình trạng mất nước diễn ra trong thời gian dài.
Nhịn tắm vì mất nước
Tiếp chuyện Báo GD&TĐ, anh Nguyễn Văn Phương (40 tuổi, trú tại thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) cho biết, giữa tiết trời gần 40 độ C nhưng đã 2 ngày trôi qua anh chưa tắm, hay nói cách khác là chưa đến lịch tắm.
Theo anh Phương, bình thường vào những ngày nắng nóng, mỗi ngày có khi anh phải tắm đến 2 - 3 lần, nhưng giờ cứ 3 ngày mới có cơ hội để “gột rửa thân thể”.
Nguyên nhân dẫn đến sự phi lý này, theo anh Phương là do gia đình anh không có nước sạch để tắm vì đơn vị cấp nước đột nhiên ngừng cung cấp.
Không chỉ riêng gia đình anh Phương, nhiều hộ dân khác sinh sống trên địa bàn Thượng Thụy của xã Đức Thượng và Lai Xá của xã Kim Chung đều rơi vào cảnh tương tự.
“Tháng 4, đơn vị cấp nước đã thỉnh thoảng cắt luân phiên. Từ đầu tháng 5 đến giờ, số lần hộ dân bị cắt nước tăng lên đáng kể và thời gian cắt nước cũng tăng theo.
Trong thông báo gửi đến các hộ dân, đơn vị cấp nước chỉ nhắn chung chung về thời gian cắt nước và mong khách hàng thông cảm chứ không nêu rõ nguyên nhân cũng như thời điểm cụ thể sẽ cấp nước lại cho chúng tôi”, anh Phương thông tin.
Theo anh Phương, đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thượng Thụy đã bị cắt nước đến gần 1 tuần khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Trước tình trạng chưa biết đến bao giờ mới được cấp lại nước nên nhiều hộ dân đã phải thau rửa, trùng tu lại bể giếng khoan để dùng tạm. Số hộ dân khác do không còn giếng khoan nên buộc phải mua nước sạch bên ngoài với giá đắt đỏ rồi trút vào bồn chứa để dùng dần.
“Trước đây, nước sạch Sông Đà cung cấp cho chúng tôi rất đầy đủ và chưa bao giờ xảy ra tình trạng mất nước như thế này. Do đó, nhiều hộ dân đã phá bỏ giếng khoan. Số ít còn giữ lại đến thời điểm hiện tại phải tốn chi phí để thau rửa lại bể chứa, nhưng chất lượng nước vẫn không đảm bảo”, anh Phương chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng trên, anh Phương và 2 người con phải chia lịch sang hàng xóm tắm nhờ. Trong khi đó, vợ anh Phương (hiện đang công tác tại Bệnh viện E) cũng phải tranh thủ tắm giặt ngay tại bệnh viện sau mỗi lần tan làm.
"Nếu trường hợp tình trạng mất nước tiếp tục kéo dài, tôi buộc lòng phải nghĩ đến phương án thau rửa lại bể để chứa nước giếng khoan để dùng", anh Phương nói.
Giống như gia đình anh Phương, hộ ông Nguyễn Văn Mạnh (57 tuổi, trú tại thôn Thượng Thụy) cũng phải chịu cảnh mất nước đến nay được khoảng gần 1 tuần.
Theo ông Mạnh, hiện gia đình ông phải “hồi sinh” lại nước giếng khoan và thau rửa để phục vụ cho việc tắm giặt. Trong khi đó, nước dùng cho việc nấu nướng, ăn uống gia đình phải mua bên ngoài.
“Lần gần nhất tôi nhận được tin nhắn báo mất nước là khoảng gần 1 tuần trước. Kể từ đó đến nay, bể chứa nhà tôi hầu như không có nước vào. Đến mức, chiếc máy bơm của gia đình đã bị cháy do không có nước để hút lên.
Tôi không biết tình trạng mất nước đến bao giờ mới được khắc phục, nhưng hiện tại đời sống của chúng tôi rất khổ cực. Chẳng ai nghĩ ngay giữa Hà Nội mà nước sinh hoạt còn hiếm hơn cả vàng”, ông Mạnh cho biết.
Không nước sạch, không giếng khoan, gia đình bà T. phải chấp nhận bỏ ra 1,2 triệu đồng để mua 6 khối nước phục vụ cho những sinh viên, công nhân đang thuê trọ tại gia đình và chưa biết lượng nước trên có đủ để cầm cự đến lúc nước sạch có lại hay chưa.
Nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ trong mùa Hè
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến một số xã tại huyện Hoài Đức bị mất nước là do nguồn nước chính từ Nhà máy nước mặt sông Đà không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân.
Vào những ngày nắng nóng, Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cần 28.000m3 nước/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng nhưng chỉ nhận được có 22.000m3/ngày đêm.
Trong khi đó, khu vực xã Đức Thượng lại nằm ở cuối nguồn nên càng khó khăn hơn vì thiếu áp lực nước để đẩy tới được khu vực này.
Ông Hà cũng cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm tăng áp Sơn Đồng, nếu thuận lợi thì khoảng 1 tháng nữa sẽ có thể tăng áp lực bơm, đẩy được nhiều nước hơn xuống các khu vực cuối nguồn.
Biện pháp lâu dài vẫn là phải tăng cường được nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà.
Liên quan vấn đề nước sạch, theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm.
Trong đó, 3 nguồn cấp lớn là Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội với công suất khoảng 550.000m3/ngày đêm; nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 300.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) công suất khoảng 300.000m3/ngày đêm...
Số liệu từ Sở Xây dựng cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 1.150.000 - 1.250.000m3/ngày đêm. Với nhu cầu sử dụng nước sạch tăng bình quân mỗi năm từ 5 - 10%, tổng mức tiêu thụ nước sạch năm 2023 dự kiến sẽ dao động khoảng 1.250.000 - 1.350.000m3/ngày đêm.
Như vậy, tổng công suất cấp có thể cung cấp là 1.530.000m3/ngày đêm thì Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong phạm vi cung cấp của hệ thống. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lý thuyết, khả năng mất nước cục bộ vào những ngày cao điểm Hè vẫn có thể xảy ra.
Theo lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội, khả năng phân phối nước vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch đảm bảo duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.370.000 - 1.530.000m3/ngày đêm.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội duy trì sản lượng nước sản xuất là 550.000m3/ngày đêm và dự phòng có thể bổ sung từ 100.000 - 110.000m3/ngày đêm. Bổ sung khoảng 100.000 - 110.000m3/ngày đêm từ Nhà máy nước mặt sông Đuống, sông Đà.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dan-ha-noi-keu-troi-vi-khat-nuoc-nhieu-ngay-post639847.html