Lễ khai mạc triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2024 được tổ chức ngày 19/12 ở Việt Nam. Tính đến nay đã có hơn 140 đầu mối, công ty đến từ 27 quốc gia đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm và hơn 60.000 người đã đăng ký tham quan.
Đặc biệt, dịp này Việt Nam có sự góp mặt, trình diện của 69 chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị, là sản phẩm của "tự chủ công nghiệp quốc phòng" như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng…
Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 do tập đoàn Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Hiện tại, Binh chung Tăng – Thiết giáp Việt Nam được trang bị hai biến thế T-90 gồm T-90S và phiên bản xe chỉ huy T-90SK. Các xe tăng T-90S/SK được các đối tác chuyển giao cho Việt Nam từ năm 2019.
Đây là một trong những vũ khí hiện đại được công nghiệp quốc phòng Việt Nam giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng 2024.
Tên lửa đất đối đất R-17E (Scud-B) là một trong những tên lửa đạn đạo phổ biến nhất của Liên Xô, với khoảng 7.000 quả được chế tạo và xuất hiện trong biên chế quân đội 32 nước. Tên lửa R-17E có tốc độ 4.940 km/h, tầm bắn 300 km, mang được nhiều loại đầu đạn. Nó được đặt trên xe bệ phóng (TEL) bánh hơi MAZ-543, tăng khả năng cơ động và ẩn náu trước các đợt tấn công của đối phương.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM "Pechora-2TM được thiết kế với khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trong mọi điều kiện nhiễu, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong một số tình huống. Trên khí tài được trang bị 4 tên lửa đặc biệt. S-125- 2TM có thể chiến đấu độc lập, hoặc hiệp đồng chiến đấu trong thế trận phòng không nhờ khả năng tương thích với mọi chủng loại radar và hệ thống thông tin chỉ huy phòng không.
Mẫu máy bay huấn luyện TP-150, sản phẩm hợp tác giữa Italia và Việt Nam, lần đầu được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra quân sự này được sản xuất tại chi nhánh ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (Việt Nam).
Theo chia sẻ của đơn vị sản xuất, máy bay TP-150 có trần bay 7000 m, vị trí ghế được sắp xếp trước, sau để phù hợp với công tác huấn luyện phi công. Đặc biệt, máy bay này sử dụng nhiên liệu xăng ôtô A95 nên chi phí vận hành rất tiết kiệm và hiệu quả.
Trực thăng AW189 do Ý sản xuất, được trang bị trong biên chế của Binh đoàn 18-Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bay chuyên cơ, tìm kiếm cứu nạn, vận tải hành khách và hàng hóa.
Xe nạp đạn cùng tên lửa P-28 của tổ hợp Redut-M, có tầm bắn 300 km, độ cao hành trình tối đa 7 km, tốc độ gần 1.400 km/h. Trong giai đoạn lao đến mục tiêu, tên lửa P-28 sẽ hạ độ cao xuống 25-100 m để tránh radar phòng không, hạn chế thời gian phản ứng và khả năng đánh chặn của đối phương. Tên lửa P-28 được trang bị đầu đạn nặng 560 kg, có thể phá hủy nhiều loại chiến hạm, kể cả tàu sân bay và tàu đổ bộ hạng nặng nếu đánh trúng đích.
Lê Khánh