Dân khổ vì sống cạnh khu chăn nuôi
Nhiều năm qua, người dân sinh sống tại thôn Phước Hòa 4 (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) phải chung sống với mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi heo bốc lên nồng nặc. Không những thế, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị ô nhiễm không thể sử dụng được.
Dân khốn khổ vì trang trại trong khu dân cư
Bà Nguyễn Thị Hường (44 tuổi, ở đội 20, thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk) cho biết, khoảng 6 năm trở lại đây, từ khi trang trại nuôi heo được xây dựng nằm cách nhà bà khoảng 30m, với quy mô hàng trăm con thì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Nhà tôi nằm sát trang trại nuôi heo nên hứng trọn mùi hôi thối và nước thải rò rĩ ra ngoài môi trường. Gia đình tôi hầu như không mở được cửa mà phải đóng từ sáng đến tối để hạn chế mùi hôi. Do nước thải bị rò rỉ ra ngoài nên con đường đi bên cạnh nhà và phía trước luôn ngập nước”, bà Hường nói.
Ở hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Trúc (ở cùng thôn) cho hay, những năm qua, người dân khu vực này phải xin hoặc mua nước để sử dụng. Nhà ai có đám tiệc gì cũng thì khách cũng chỉ qua một lúc rồi về, chứ không dám ở lại lâu vì mùi hôi khó chịu”.
Ông Trúc chỉ tay ra đám đất hoang, cỏ mọc um tùm nói: “Trước đây khu đất này có một gia đình mua, nhưng vì trang trại nuôi heo ở cạnh đấy ô nhiễm quá nên cô chú ấy bỏ đi nơi khác. Giờ đất đó để người dân trồng cỏ cho bò ăn chứ bán cũng không ai dám mua. Không chỉ trang trại nằm ngay nhà dân mà kế bên trang trại là chợ của xã, cách đó khoảng 200m là Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Ô nhiễm khiến thầy cô giáo và các học sinh chịu không nỗi mùi”.
Được biết, trang trại này là của gia đình ông Nguyễn Văn Kim (thôn Phước Hòa 4). Trao đổi với PV, ông Kim cho rằng, gia đình ông chăn nuôi heo không quá 100 con, nước có rỉ ra đường nên gia đình ông đổ một xe đá để làm bờ kè. Khi chúng tôi đề nghị được ghi nhận thực trạng trang trại và hệ thống xử lý chất thải thì ông Kim từ chối.
Liên quan đến vấn đề này, UBND xã Ea Kuăng cũng đã tiến hành kiểm tra. Theo đó, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Kim có diện tích trên 500m2, số lượng heo chăn nuôi thường xuyên rất lớn. Qua thực tế, nước phân heo từ trang trại chảy tràn khắp mặt đường với mùi hôi thối nồng nặc. Xã cũng đã nhắc nhở nhiều lần đối với hộ gia đình ông Kim để tránh kéo dài tình trạng ô nhiễm và nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, xã cũng kiến nghị Phòng TN&MT huyện Krông Pắk xem xét, đánh giá 2 hầm biogas với dung tích 14 khối của nhà ông Kim có đủ dung tích xử lý hết chất thải hàng ngày hay không…; đồng thời kiến nghị Phòng TN&MT lấy mẫu nước từ các hộ dân để phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm để có hướng xử lý…
Chính quyền ngao ngán
Sau khi có báo cáo từ UBND xã Ea Kuăng, Phòng TN&MT huyện Krông Pắk đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra. Phòng TN&MT đã yêu cầu gia đình ông Kim khắc phục tình trạng ô nhiễm và liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thành các thủ tục về việc chăn nuôi heo theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, cán bộ Thú y xã cho biết, theo quy định, trang trại chăn nuôi phải cách khu dân cư khoảng 300m, còn trang trại của nhà ông Kim nằm gần khu dân cư. Trước đây quy mô chỉ chăn nuôi nhỏ nhưng dần đã lớn hơn. Theo thống kê của xã thì hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kim hiện đang nuôi 150 con heo thịt.
Ông Trần Đình Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuăng cho biết, UBND xã đã nhiều lần ghi nhận nước thải từ trang trại nhà ông Kiên rò rỉ ra môi trường và bốc mùi hôi thối khiến người dân và Ban Giám hiệu Trường THCS Hoàng Văn Thụ phải đứng đơn phản ánh. Tuy nhiên, gia đình ông Kim tỏ thái độ bất hợp tác với xã và đoàn kiểm tra.
Ông Bốn nói: “Những năm gần đây, các giếng nước ở khu vực lân cận cũng không thể sử dụng được do nước bẩn. Người dân phải đi xin hoặc mua nước sạch về sử dụng… Tội nhất là các cháu học sinh học cách đó không xa phải chịu cảnh hôi thối, ô nhiễm môi trường. Chúng tôi không đủ thẩm quyền, không thể cưỡng chế đối với trường hợp này. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền có cách xử lý triệt để tình trạng trên”.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dan-kho-vi-song-canh-khu-chan-nuoi-20190610202628166.htm