Dân khốn khổ suốt gần 15 năm vì 'cát tặc' lộng hành
Nhiều địa phương ở TP Hà Nội đã có những động thái nhằm rà soát toàn diện các dự án khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 của UBND TP về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND để tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều người dân ở thôn Chu Phan (xã Chu Phan, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) cho biết gần 15 năm qua, nhiều người dân ở thôn Chu Phan đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương để phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép của Công ty Cổ phần Thương mại Tiền Giang (Công ty Tiền Giang) gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân địa phương.
Ông N.X.Đ. (trú tại thôn Chu Phan) cho biết trước khi có giấy phép, Công ty Tiền Giang đã vào khai thác cát ở khu vực bãi sông địa phận thôn Chu Phan, sau khi có giấy phép khai thác, công ty này không cắm mốc giới mà cứ khai thác thác bất chấp.
"Trước đây, khu vực bãi ven sông Hồng địa phận thôn Chu Phan rất rộng, công ty Tiền Giang chỉ được cấp phép 42 ha nhưng hiện nay, hàng chục ha xung quanh khu vực này đã bị đào xới, bị khai thác cát trộm, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hồng đoạn chảy qua thôn Chu Phan, làm ô nhiễm môi trường quanh khu vực này. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan, Văn phòng Chính phủ và cả Thành ủy Hà Nội… từ năm 2011 đã tiếp nhận đơn, có văn bản chuyển đơn đề nghị xử lý dứt điểm nhưng đều không có kết quả. Hơn 10 năm qua chúng tôi phải sống chung với cảnh xe tải chở cát chạy suốt ngày trên đường làng, bụi bặm quanh năm" - một người dân nói.
Theo ông N.V.Th. (nguyên trưởng thôn Chu Phan), từ khi Công ty Tiền Giang vào khai thác cát tại khu vực ngoài bãi thì trong thôn xảy ra rất nhiều chuyện, dân làng cũng mất đoàn kết từ khi công ty này vào khai thác cát. Năm 2014, vì quá bức xúc nên ông Th. đã đến xã để trả lại quyết định trưởng thôn, không làm trưởng thôn nữa.
"Việc nhà nước cho phép Công ty Tiền Giang khai thác cát dân làng chúng tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm ban đầu, chúng tôi đã yêu cầu công ty và chính quyền cắm mốc giới phạm vi được khai thác, phạm vi nào không được khai thác để dân còn canh tác nhưng bao nhiêu năm nay không thực hiện được. Từ khi công ty này vào khai thác cát thì dân làng xảy ra mất đoàn kết, chia phe chia cánh, tôi còn bị cả xã hội đen đe dọa. Chúng tôi chỉ mong chính quyền huyện làm rõ, phân định lại đúng sai, mốc giới cho rõ ràng" - ông Th. bày tỏ.
Một cán bộ có trách nhiệm của huyện Mê Linh cho biết thực hiện các chỉ thị của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ban Thường vụ huyện ủy Mê Linh đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Mê Linh. Khu vực người dân phản ánh nêu trên là của Công ty Tiền Giang, công ty này được cấp phép khai thác với diện tích 42 ha đến hết năm 2024.
"Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra toàn diện công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã thu thập tài liệu về các bãi khai thác cát, bước đầu ghi nhận tại khu vực do Công ty Tiền Giang khai thác có dấu hiệu vi phạm. Chúng tôi đã khảo sát thực tế, ghi nhận toàn bộ hiện trạng, sau đó sẽ đối chiếu với các tư liệu rồi mới kết luận được vi phạm của công ty này, từ đó sẽ có hướng xử lý dứt điểm" - vị cán bộ huyện Mê Linh nói.
Được biết, hiện nhiều địa phương ở Hà Nội đều đã có những động thái nhằm rà soát các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn để báo cáo thành phố.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, đối với công tác quản lý, khai thác khoáng sản, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu khẩn trương rà soát các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn; trên cơ sở đó, nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với công tác đánh giá tác động môi trường; có biện pháp quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường và phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nêu trên...
Tại Chỉ thị số 15/CT-UBND, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố về quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm phù hợp với các tiêu chí về điều kiện hoạt động của bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông theo quy định của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan. Chủ trì đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố; xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng đối với từng loại khoáng sản, đặc biệt với khoáng sản là cát, sỏi.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định, tham mưu UBND thành phố cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi) bảo đảm đúng quy định của pháp luật; đồng thời, báo cáo, đề xuất thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, yêu cầu thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng sản (cát, sỏi) không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Kiên quyết không tham mưu UBND thành phố gia hạn giấy phép và không cấp giấy phép mới đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Sở cũng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND thành phố tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (cát, sỏi); đấu giá khối lượng cát thu được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước đường thủy nội địa; đấu giá đối với các bến bãi hoạt động kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng... tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.