Đường dẫn dưới cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TP HCM) bị chặn khiến cho ôtô muốn vào trung tâm thành phố phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội, xe máy thì gặp nhiều khó khăn, có trường hợp bị ngã.
Người dân hai bên cầu Rạch Chiếc thuộc phường Trường Thọ và Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM) cho biết: Khoảng một tháng nay, đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc bị chặn khiến họ không thể rẽ từ đường song hành xa lộ Hà Nội vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc để vào trung tâm thành phố.
Nên để vào đi vào trung tâm thành phố bằng ôtô, họ buộc phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội. Việc này khiến cho vừa tối thời gian, lại phải tốn thêm tiền dù chỉ đi vài trăm mét. Trạm BOT Xa lộ Hà Nội do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội làm chủ đầu tư, khai thác và vận hành. Công ty này trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng TP HCM (viết tắt là CII).
Trước khi bị chặn đường, người dân chỉ cần rẽ vào đường dẫn để lên cầu Rạch Chiếc rồi đi vào trung tâm thành phố mà không cần phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội. Điều này giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Người dân cung cấp cho phóng viên một số hình ảnh ôtô "lâm nạn" vì đường bị chặn như thế này. Việc này xảy ra thường xuyên vào những ngày đầu đường bị chặn, các tài xế không biết nên bị "lâm nạn". "Khi bị như vậy, lái xe phải gọi xe khác đến kéo ra", anh Võ Quốc Bình, một hộ dân sống gần cầu Rạch Chiếc cho hay.
Khi biết đường bị chặn, lái xe đành cho xe lùi lại, đi theo hướng rẽ vào đường Nguyễn Văn Bá và chấp nhận đi qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội để vào trung tâm thành phố.
Trong khi ôtô không thể rẽ vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc, thì người điều khiển xe gắn máy gặp khó khăn khi phải vượt chướng ngại vật này, không ít người đã bị ngã. Anh Lâm Quang Thịnh, cư dân sống tại Chung cư Him Lam cho biết: "Sáng hôm qua, có một chị đã bị ngã khi đi xe máy qua chỗ bị chặn này". Đồng thời anh Thịnh cũng giúp đỡ người phụ nữ đó sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc.
Ngoài bức xúc bị chặn đường, người dân còn phản ảnh việc các biển báo hai bên dạ cầu Rạch Chiếc đặt không phù hợp, có dấu hiệu không đúng quy định. Ảnh trên là biển chỉ dẫn rẽ phải để lên cầu Rạch Chiếc đi về hướng trung tâm thành phố. Nhưng ở 2 ảnh dưới, là 2 biển cấm quay đầu và cấm đi vào được đặt tại đầu lối rẽ phải khi vừa hết cầu Rạch Chiếc (theo hướng nam - bắc). Rẽ phải vào là đường dẫn cầu Rạch Chiếc. Anh Trần Phương Nam (ở phường Phước Long A) cho rằng biển báo cắm vậy là không phù hợp. "Vì nếu đã cấm không cho phương tiện vào đường dẫn này, thì tại sao phía bên kia lại cắm biển chỉ dẫn rẽ phải để lên cầu Rạch Chiếc?", anh Nam đặt câu hỏi.
Trong khi người dân cho rằng biển báo được cắm sai quy định, không phải do người của Sở GTVT cắm nên họ đi vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc. Sáng 4/7, phóng viên ghi nhận một số trường hợp bị CSGT thổi phạt.
Anh Trần Phương Nam cho Thanh tra Sở GTVT TP HCM xem các bất cập của biển báo vào sáng 4/7. Người dân đề nghị Thanh tra Sở GTVT xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự ý chặn, phá đường, cắm biển báo sai quy định; ngang nhiên xâm phạm lợi ích cơ bản của người dân.
Người dân yêu cầu phải chấ dứt việc chắn đường này, trả lại hiện trạng ban đầu để họ tiện lưu thông như trước đây. Hồi cuối tháng 5/2022, chủ đầu tư Trạm BOT Xa lộ Hà Nội đặt dải bê tông chặn đường, cũng ngay tại vị trí từ đường song hành xa lộ Hà Nội rẽ vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc, khiến cho người dân buộc phải qua trạm thu phí nếu muốn lái ôtô vào trung tâm thành phố. Bị phản ứng, chủ đầu tư đã phải tháo dỡ “rào chắn” đó.