Dân khốn khổ vì thủy điện (Bài 1: 'Khát' đất sản xuất)
Hàng trăm hộ dân ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông (TT-Huế) sau khi nhường đất để triển khai dự án thủy điện (DATĐ) phần lớn rơi vào cảnh thiếu đất canh tác sản xuất, một phần đất tại nơi ở mới khô cằn, sỏi đá không thể sản xuất. Trong khi đó, với bà con nông dân miền núi, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số thì nghề nông - lâm nghiệp dường như không thể rời xa họ được bởi nó đã gắn bó suốt bao đời nay.
Đất nông nghiệp đổi đất... "chết"
DATĐ A Lưới được xây dựng trên sông A Sáp, H. A Lưới từ tháng 6-2007. Dự án này đã ảnh hưởng gần 2.000 ha đất rừng của hơn 1.300 hộ dân trên địa bàn huyện. Trong đó, có 205 hộ dân nằm trong lòng hồ phải di dời, hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô... thuộc các xã lân cận phải di dời đến khu tái định canh thôn A Đên và A Sáp (xã Hồng Thượng, H.A Lưới). Thực hiện chủ trương tái định cư, định canh, gần 110 hộ dân đến định canh ở Hồng Thượng được đổi đất lấy đất với 24 ha đất trồng lúa nước. Tuy nhiên, do khu vực bố trí đất ruộng nằm trong vùng sỏi đá nên người dân gặp nhiều khó khăn trong canh tác, trồng trọt. Sau nhiều năm nỗ lực, ngành nông nghiệp A Lưới hiện chỉ mới khai hoang phục hóa được 9 ha, còn lại hơn 15 ha không sản xuất được do sỏi đá quá nhiều, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ.
Ông Nguyễn Đức Phú - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp H.A Lưới cho biết, 15 ha đất trồng lúa nước cấp cho 63 hộ dân di dời do ảnh hưởng DATĐ A Lưới lại không thể sản xuất được. Đây cũng là vấn đề mà người dân tái định canh của thủy điện A Lưới bức xúc nhất nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Phú, do không có đất sản xuất, các hộ dân này đã phải làm đủ nghề để mưu sinh như: chăn nuôi, làm thuê làm mướn, đi rẫy... Người dân cho hay trước đây, vùng đất họ sinh sống thuộc khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới khá phì nhiêu, màu mỡ. Ngoài việc canh tác hoa màu, lúa nước, người dân còn đào ao thả cá, hàng năm đều có của ăn của để. Tuy nhiên, khi chuyển đến khu tái định cư mới thì cuộc sống của họ khốn khổ trăm bề.
Từ khi nhường đất cho thủy điện A Lưới, gia đình anh Hồ Văn Dĩa dọn đến khu tái định canh xã Hồng Thượng đã được gần 10 năm nay. Tại đây, gia đình anh được cấp hơn 0,7 ha (đất đổi đất) đất trồng lúa để canh tác nhưng cũng chừng đó thời gian, gia đình anh đành bỏ hoang diện tích đất được cấp. Cuộc sống của gia đình anh Dĩa ngày càng rơi vào cảnh khốn khổ khi công ăn việc làm không có. Tương tự, bà Hồ Thị Nguyệt cho biết, gia đình bà dọn đến khu tái định cư ở thôn A Sáp hơn 9 năm nay. Thời điểm ấy, gia đình bà Nguyệt được bố trí 1.800 m2 đất vườn, 3 sào ruộng theo phương thức đất đổi đất. Nhưng do phần lớn đất sản xuất ở nơi ở mới bạc màu, sỏi đá khiến gia đình bà không thể canh tác, sản xuất. Cũng từ khi chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của gia đình bà rơi vào cảnh điêu đứng.
Nhường hơn 200 ha đất cho dự án "rùa"
DATĐ Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật (H.Nam Đông, TT-Huế) được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2005, cấp phép đầu tư vào năm 2007, chính thức khởi công vào giữa năm 2008. DATĐ này có tổng vốn đầu tư 158 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 154 ha, với 2 tổ máy công suất 6MW. Dự kiến, tổ máy số 1 phát điện vào quý I-2010. Thế nhưng, sau một thời gian khởi công, dự án chỉ triển khai vài hạng mục nhỏ lẻ rồi "án binh bất động", bỏ dở việc đền bù giải phóng mặt bằng. Đến năm 2012, CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam quyết định điều chỉnh mức đầu tư vào Nhà máy thủy điện Thượng Nhật lên trên 341 tỷ đồng và tái khởi động vào năm 2016.
Ông Hoàng Trung Nam - Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, DATĐ Thượng Nhật triển khai, riêng hạng mục lòng hồ có 151 hộ với 308 thửa đất khoảng 200 ha bị ảnh hưởng với tổng số tiền đền bù hơn 21 tỷ đồng. Điều đáng nói, dù chưa đền bù, bồi thường cho dân nhưng công trình thủy điện Thượng Nhật vẫn triển khai thi công trong suốt thời gian dài khiến cho hàng trăm hộ dân bức xúc. Sau nhiều lần "kêu cứu", đến cuối năm 2019, số tiền hỗ trợ, bồi thường mới đến tay người dân.
Theo ông Hoàng Trung Nam, tính đến cuối tháng 6-2020, còn 8 hộ chưa nhận tiền đền bù với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hộ khác do bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cũng chưa được bồi thường. "Hiện, xã đã phối hợp với Trung tâm Quỹ đất huyện xem xét các kiến nghị của dân, đo đạc lại hiện trạng để xác định giá trị đền bù cho dân"- ông Hoàng Trung Nam thông tin. Cũng theo ông Nam, xã vừa đề nghị thủy điện Thượng Nhật thực hiện nghiêm túc về việc đề xuất một số cam kết giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại của DATĐ Thượng Nhật, nhất là giải quyết vấn đề đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng thời gian cam kết.
Như vậy, sau nhiều lần sang tên đổi chủ, đến nay sau 13 năm cấp phép nhưng hiện DATĐ Thượng Nhật vẫn chưa đi vào phát điện.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, từ khi nhường khoảng 200 ha đất cho DATĐ Thượng Nhật, rất nhiều hộ dân ở thôn 2, thôn 3 của xã đã không còn đất sản xuất. Mặc dù, các hộ có được hỗ trợ một số tiền nhỏ để chuyển đổi nghề nhưng cũng không có hiệu quả. Nhiều hộ dân người Cơ Tu ở xã Thượng Nhật chia sẻ, do họ không có trình độ, không có chuyên môn nên việc chuyển đổi qua ngành nghề khác là rất khó. Bởi, bao đời nay, cuộc sống mưu sinh của họ luôn gắn bó với nghề trồng rừng nay đất đai không còn nên đời sống họ khó khăn chồng chất.
Ông Nguyễn Văn Bê ở thôn 3, xã Thượng Nhật có hơn 5 ha đất rừng trồng keo và cao su phải nhường đất cho thủy điện Thượng Nhật. "Từ khi giao đất cho thủy điện đến nay, gia đình tôi phải làm thuê cuốc mướn, con cái mỗi người một nơi để kiếm ăn"- ông Bê ngậm ngùi.
Đất đai bị thu hồi, không có nơi sản xuất, phải đi làm thuê làm mướn, đi rẫy… là tình cảnh chung của nhiều hộ dân ở các thôn 2, 3, 4 của xã Thượng Nhật sau khi nhượng đất để phục vụ công trình TĐ Thượng Nhật.
(còn nữa)