Dân không dùng vẫn phải trả tiền gần 900m3 nước/tháng

Sau một thời gian dài cư dân thắc mắc về số tiền nước phải trả quá cao so với lượng nước sử dụng, Ban quản trị tòa nhà A3 đã lắp đồng hồ nước để kiểm tra. Sau một tháng kết quả cho thấy, đồng hồ tính của Công ty cấp nước cao hơn gần 900m3 so với tổng số nước từ các hộ dân sử dụng.

Chung cư A3, số 151 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: T.G

Chung cư A3, số 151 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: T.G

Nước thất thoát, dân chịu tiền

Chuyện lạ lùng trên xảy ra tại khu chung cư tòa nhà A3, số 151 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai (Hoàng Mai - Hà Nội). Theo phản ánh của các hộ dân đến Báo GĐ&XH, sự việc này xảy ra từ nhiều năm trước, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Kêu than mãi không được, nên mỗi tháng 152 hộ dân của tòa nhà phải chia nhau số tiền tương ứng với gần 900m3 nước sinh hoạt bị thất thoát.

Với tâm trạng ngán ngẩm, chị Phạm Thị Linh (căn hộ 6D) cho hay: “Theo giá nhà nước quy định là hơn 4.000 đồng/m3 nước nhưng ở tòa nhà này lại thu gấp đôi. Bây giờ, giá đã tăng lên tới 10.000 đồng/m3, có tháng chúng tôi phải trả 12.000 đồng/m3 mà không được biết lý do. Không những thế, lịch thu tiền của Trung tâm quản lý không phải hàng tháng mà 2 tháng thu một lần, có khi 3 tháng. Đến lúc này, số tiền thất thoát cao ngất ngưởng”.

Nói về vấn đề này, bác Hoàng Văn Hướng (căn hộ 14A) bày tỏ: “Tôi sống ở đây từ năm 2011 khi tòa nhà mới đi vào hoạt động. Tháng nào tôi cũng phải nộp khống tiền phí thất thoát nước của tòa nhà. Chẳng hạn, tháng 5 và 6/2016, tôi dùng hết 10m3 nước tương ứng với 100.000 đồng. Số tiền tôi phải trả cho số nước thất thoát là 105.000 đồng. Tổng cộng tôi phải trả 205.000 đồng. Hỏi lý do thất thoát thì họ lại dọa cắt nước, không cho sử dụng (?)”.

Theo lý giải của các hộ dân, sở dĩ có chuyện này là bởi các hộ dân ở đây không được trả tiền trực tiếp cho đơn vị cung cấp là Xí nghiệp nước sạch Hoàng Mai mà phải thông qua Ban Quản trị (BQT) tòa nhà. Hàng tháng, Xí nghiệp nước sạch Hoàng Mai đến thu tiền từ BQT theo số công tơ còn BQT lại thu tiền từ mỗi hộ dân. Từ nhiều tháng nay, do tổng lượng nước sử dụng thực tế của cả tòa nhà (cộng các công-tơ lẻ) luôn thấp hơn số ghi trên công-tơ tổng của đơn vị cung cấp nên BQT đã buộc phải chia đều số lượng chênh lệch này cho mỗi hộ.

860m3 nước “bốc hơi”/tháng

Trong văn bản đề nghị của Chung cư A3 ghi rõ, khi lắp đồng hồ kiểm tra từ tháng 4 đến tháng 5/2016 họ phát hiện 860m3 nước thất thoát so với công tơ tổng.

Trong văn bản đề nghị của Chung cư A3 ghi rõ, khi lắp đồng hồ kiểm tra từ tháng 4 đến tháng 5/2016 họ phát hiện 860m3 nước thất thoát so với công tơ tổng.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Trần Đình Tuấn, Trưởng Ban quản trị tòa nhà A3 cho biết: “Trước phản ánh của người dân, tháng 4/2016 chúng tôi đã lắp đồng hồ nước để kiểm tra xem có đúng việc thất thoát nước hay không. Kết quả sau 1 tháng cho thấy, tổng các hộ gia đình sử dụng nước thì khớp với đồng hồ mà BQL lắp. Điều ngạc nhiên là đồng hồ nước của Công ty cấp nước lại lệch cao hơn 860m3 nước. Như vậy, các hộ dân lại phải chia nhau trả số tiền nước “bốc hơi” này”.

“Quá bức xúc, chúng tôi đã làm đơn đề nghị lên các cơ quan chức năng. Ngày 25/7 chúng tôi làm việc với Xí nghiệp nước Hoàng Mai và được hẹn đợi công văn giải quyết từ Xí nghiệp về yêu cầu của BQT kiểm tra đường ống thất thoát nước và tách đường ống nước khu chung cư A3 và khu biệt thự nhà vườn”, vị Trưởng BQT tòa nhà A3 cho biết.

Lý giải thêm về thắc mắc của người dân, ông Tuấn cho hay: “Vì thất thoát nước giữa các tháng không giống nhau, nên chúng tôi phải tính 2 tháng/lần để các hộ dân chia nhau trả. Bây giờ, BQT tách phần thất thoát ra khỏi tiền nước hàng tháng để tính cho dễ với giá là 10.000 đồng/m3 nước. Như vậy, mỗi hộ phải trả thêm 10m3 nước trên/hóa đơn/2 tháng. Nếu không nộp chênh lệch đó thì chúng tôi bị Xí nghiệp cắt nước. Chủ đầu tư bàn giao cho BQT như hiện trạng, còn về sơ đồ đường nước thì không có, nên chúng tôi cũng khó giải quyết”.

Theo tìm hiểu của PV, khu chung cư A3 do Công ty TNHH đầu tư phát triển nhà và dệt may làm chủ đầu tư, đã bàn giao lại cho Công ty CP quản lý BĐS Đất Việt, trực tiếp là Trung Tâm quản trị vận hành tòa nhà A3 phụ trách. Về chiếc đồng hồ cấp nước cho tòa nhà A3 cách xa hơn chục mét, đường ống phải chạy qua tòa nhà A1, A2 và đi qua khu biệt thự nhà vườn bên cạnh mới vào tòa nhà A3. Vậy là đến nay, không ai biết gần 900m3 nước/tháng chảy đi đâu?!

Sẽ hỗ trợ kiểm tra để giải quyết sự cố

Trả lời vấn đề trên, ông Đỗ Đình Trường, Phó phòng hành chính, Xí nghiệp nước sạch Hoàng Mai cho hay: “Chúng tôi chỉ quản lý và thu tiền ở đồng hồ tổng, còn phía sau đồng hồ là do BQT tòa nhà sẽ quản lý và thu tiền đến từng hộ dân. Nếu tòa nhà có đề nghị chúng tôi sẽ hỗ trợ kiểm tra để giải quyết sự cố”.

Cao Tuân – Đức Mậu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dan-khong-dung-van-phai-tra-tien-gan-900m3-nuoc-thang-20160729084618362.htm