Dân khu tập thể ủng hộ chuyển sang chạy xe điện nhưng băn khoăn điều kiện hạ tầng
Theo lộ trình từ ngày 1/7/2026, Hà Nội cấm xe máy chạy xăng chính thức tại các phường nội thuộc phạm vi vành đai 1. Tại khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ người dân ủng hộ việc chuyển đổi sang xe máy xanh thân thiện môi trường nhưng cũng bày tỏ băn khoăn vì điều kiện hạ tầng nơi sinh sống khó có thể đáp ứng

Ghi nhận của phóng viên, tại các khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ (phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho thấy, mức độ sẵn sàng của người dân đang có sự khác biệt rõ rệt giữa các dãy nhà. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ có 16 đơn nguyên, chung cư N3 Nguyễn Công Trứ (phường Hai Bà Trưng) là một trong những khu tập thể cũ được cải tạo xây dựng lại đầu tiên của Hà Nội từ 2 đơn nguyên tập thể cũ là nhà A1, A2 từ hơn 10 năm trước.

Tại chung cư N3 được thiết kế 3 tầng hầm để phục vụ nhu cầu để phương tiện của người dân. Trong đó, hầm B2, B3 để xe ô tô.

Hầm B1 dành riêng cho xe máy, khu vực để xe máy xăng và xe điện riêng biệt.

Khoảng 40 xe máy điện của cư dân sinh sống trong tòa nhà được bố trí ở một khu vực riêng cách xa nơi để xe máy.

Bảo vệ hầm tòa nhà N3 cho biết, để đảm an toàn cháy nổ ban quản trị, ban quản lý quy định thời gian xe điện sạc pin trong khung giờ từ 6h-23h hàng ngày hết thời gian trên cầu dao điện sẽ tự ngắt để đảm bảo an toàn cháy nổ. Với việc bố trí thời gian như vậy là rất phù hợp kể cả những người đi làm về từ 5h-6h chiều vẫn có đủ thời gian sạc pin đầy cho xe nên cư dân rất ủng hộ.

Khu vực xe máy, xe đạp điện sạc pin có camera giám sát và luôn có người túc trực.

Bên trên tòa nhà bố trí khu để xe cho khách để đảm bảo mật độ xe dưới hầm không quá tải.

Ông Mai Xuân Cung, người dân sinh sống tại tòa N3 cho biết, ban quản trị tòa có phương án bố trí cho 500 xe điện nếu Thành phố dừng xe máy xăng hoạt động hoàn toàn. "Chúng tôi đã có phương án quy hoạch thành dãy để sạc xe điện dự tính 500 xe điện, chúng tôi đã thống nhất ý kiến nhưng việc đầu tư quá lớn so với kinh phí của ban quản trị nên chờ thành phố hỗ trợ thêm"- ông Cung nói.

Ông Cung cũng cho biết thêm, ban quản trị tòa nhà cũng không muốn để một số lượng lớn xe dưới tầng hầm vì an toàn cháy nổ nên đưa lên trên để an toàn hơn".

Trong khi đó, các dãy nhà có tuổi đời hơn 40 năm, hệ thống điện và hạ tầng kỹ thuật đã hư hỏng nặng lại không được thiết kế chỗ để xe. Cư dân phải gửi xe dưới sân chung giữa hai dãy nhà, nơi không có mái che, càng không có hệ thống điện đảm bảo cho việc sạc pin xe điện.

Ông Tuấn cư dân sống tại dãy nhà H4 chia sẻ: "Chúng tôi lo lắng không biết cắm điện ở đâu để sạc. Kéo điện tạm bợ rất nguy hiểm đưa xe lên nhà thì không thể. Nếu không có phương án hỗ trợ, chúng tôi không biết sẽ làm thế nào". Ông Tuấn cũng bày tỏ, mong muốn cư dân được thành phố Hà Nội khảo sát thực trạng các khu tập thể cũ, chưa cải tạo để có phương án bố trí chỗ để xe và cấp nguồn điện an toàn. Để người dân chuyển đổi phương tiện một cách thuận lợi, an toàn.