Dân kiện nhưng chủ tịch UBND không dự phiên tòa: 'Về mặt Đảng, có kỷ luật được không?'

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí chia sẻ, trong cuộc họp Đảng, ông nêu vấn đề, nếu người dân, doanh nghiệp kiện mà 'anh' không cung cấp tài liệu, không tham gia đối thoại, không dự phiên tòa và không chấp hành án, 'vậy về mặt Đảng, đã kỷ luật anh được chưa?'

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn khi Luật Tố tụng hành chính hiện nay và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này chưa có quy định chế tài xử lý các trường hợp chủ tịch, phó chủ tịch, hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.

 Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng. Ảnh: Như Ý

Trong khi đó, thực tế cho thấy rất ít vụ án có lãnh đạo UBND trực tiếp tham dự gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử. Do đó, ông Hùng đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung chế tài cụ thể để bảo đảm yêu cầu trách nhiệm và kỷ luật hành chính trong quá trình tổ chức tố tụng.

Đại biểu viện dẫn, khoản 1, điều 60 của Luật Tố tụng hành chính hiện hành, chỉ cho phép chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND cùng cấp, nhưng thực tế lâu nay phổ biến là ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn. Điều này không phù hợp với quy định.

Từ thực tế trên, ông Hùng đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc hoặc giữ nguyên để bảo đảm trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, hoặc mở rộng cho phép ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn am hiểu vụ việc với điều kiện rõ ràng, chặt chẽ để quá trình tổ chức thực thi pháp luật đúng quy định.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói, thời gian qua, thực tiễn của địa phương cho thấy, phần lớn xét xử các quyết định hành chính là của chủ tịch UBND tỉnh, nhưng thực tế thường ủy quyền cho giám đốc sở, còn cấp huyện ủy quyền cho trưởng phòng, ví dụ như ủy quyền cho chánh thanh tra, trưởng phòng tài nguyên và môi trường.

Nhưng theo ông Hòa, trong khi ông chủ tịch tỉnh bận “trăm công, nghìn việc”, những bộ phận chuyên môn nắm rõ ràng, rành mạch vấn đề, việc ủy quyền cho họ tham dự là hợp lý.

Phát biểu lần hai, ông Nguyễn Tâm Hùng nhắc lại, Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2015 chưa quy định chế tài xử lý cụ thể trong trường hợp chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa hành chính, không tham gia đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn theo yêu cầu của tòa án.

Theo ông, điều này dẫn đến tình trạng phổ biến ‘xin vắng mặt’, hoặc ủy quyền không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho tình hình tranh tụng và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

“Quy định ủy quyền trong tố tụng hành chính còn quá hẹp. Luật hiện chỉ cho phép chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND trong khi thực tiễn nhiều vụ việc chuyên sâu, cần cử người đứng đầu cơ quan chuyên môn như phòng tài nguyên và môi trường, phòng tư pháp, thanh tra...

Tuy nhiên, những người này lại không có thẩm quyền theo luật để tham dự hợp lệ, dẫn đến bị hoãn phiên tòa hoặc không bảo đảm hiệu quả tố tụng”, ông Hùng lý giải.

Sẽ có chế tài "vừa nghiêm minh, vừa phù hợp thực tiễn"

Tiếp thu, giải trình sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, theo luật hiện hành, trách nhiệm tố tụng hành chính như chủ tịch UBND chưa có chế tài rõ ràng.

 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Như Ý

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Như Ý

"Chế tài này, tôi đã nói nhiều lần, nếu không sửa luật, sẽ không nghiêm. Nhưng bây giờ đòi ra đối thoại thì trong thực tiễn có mâu thuẫn. Có những nơi địa phương phát triển mạnh, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố rất áp lực trong công việc. Trong khi, 1 năm có khoảng 500 chuyện phải đối thoại, hay phải ra phiên tòa, thì xin thưa, chắc không có thời gian để điều hành, quản lý nhà nước”, ông Trí phân tích.

Chánh án Lê Minh Trí cũng chia sẻ, trong cuộc họp Đảng hôm trước, ông có nói, nếu người dân, doanh nghiệp kiện anh (chủ tịch UBND - PV) mà anh không cung cấp tài liệu, không tham gia đối thoại, không dự phiên tòa và không chấp hành án. Vậy về mặt Đảng đã kỷ luật anh được chưa?

Chánh án Lê Minh Trí cũng nhấn mạnh, nếu đúng và nghiêm là "phải có chế tài", vì không nghiêm thì không chấp hành, nhưng nghiêm thì làm không nổi, thực tiễn có sự mâu thuẫn như vậy.

Theo ông, luật hiện hành chỉ cho ủy quyền tới cấp phó, nhưng thực tế cũng ủy quyền cho cấp dưới nữa, giám đốc sở cũng cử, thanh tra cũng cử nhưng vẫn quá tải, thực tiễn đang như vậy.

Ghi nhận ý kiến đại biểu, ông Trí nói, sẽ có nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi Quốc hội xem xét chế tài ở mức độ thế nào để đảm bảo “vừa nghiêm minh nhưng phải phù hợp với thực tiễn”.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dan-kien-nhung-chu-tich-ubnd-khong-du-phien-toa-ve-mat-dang-co-ky-luat-duoc-khong-post1745706.tpo