Đàn linh trưởng quý hiếm trở về với bản sau hàng chục năm vắng bóng
Đàn Voọc gáy trắng cùng nhiều loài thú 'bỏ bản' đi vì bị kẻ xấu săn bắt và môi trường sống bị phá hoại. Sau gần nửa thế kỷ, loài động vật quý hiếm này trở lại, dân bản cùng các đơn vị ra sức bảo vệ.
Trường Sơn là xã miền núi vùng biên giới, nằm ở phía Tây của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Nơi đây sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, phong cảnh núi rừng hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh, nhiều sông suối, thác nước tự nhiên vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Đây cũng là địa bàn cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm.
Già làng Hồ Ai trú tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn cho biết, bản hiện có hơn 430 nhân khẩu, tất cả đều là người Bru-Vân Kiều. Quần tụ ở bản làng giữa đại ngàn, bà con chủ yếu dựng nhà ở quanh chân các ngọn núi đá vôi. Hai ngọn núi tiêu biểu của bản là Lèn Chồng và Lèn Vợ.
Già Hồ Ai nhớ rằng, hơn 40 năm trước, khi ông còn là trai tráng, trong những khu rừng tự nhiên rộng lớn quanh bản có rất nhiều thú rừng như: sơn dương, lợn rừng, chồn, khỉ, rắn… cư ngụ.
Đặc biệt, ngọn núi Lèn Chồng, Lèn Vợ là nơi sinh sống của đông đảo các cá thể Voọc đen gáy trắng. Đồng bào Vân Kiều thường gọi loài này là "con cung" nghĩa là loài khỉ đen đuôi dài sống trong hang đá.
Nhiều đàn voọc, mỗi đàn có từ 12-20 con phân chia lãnh địa rồi di chuyển hết quả đồi này đến quả đồi khác để kiếm thức ăn. Khi ăn no, chúng vô tư bay nhảy, nô đùa qua lại giữa các phiến đá trên 2 đỉnh núi Lèn Chồng, Lèn Vợ.
Nhưng đến những năm 1980, nạn sắn bắt động vật hoang dã bắt đầu bùng nổ ở núi rừng Trường Sơn. Những kẻ săn trộm mang súng, bẫy vào rừng khiến nơi sinh sống trở thành "tử địa" của các loài động vật. Rất nhiều các thể thú rừng quý hiếm trở thành thực phẩm trên bàn ăn.
Những cá thể Voọc gáy trắng cũng chung số phận. Cùng với đó, lâm tặc chặt phá rừng trái phép khiến môi trường sinh sống của các loài ngày càng bị bó hẹp.
Nguy hiểm rình rập, số lượng cá thể giảm sút, mất đi môi trường sống... nên các loài thú bỏ đi xa bản làng tìm môi trường sống khác. Vùng núi đá vôi quanh bản vắng bóng các loài động vật định cư. Người dân cũng không còn thấy những chú voọc hằng ngày nô đùa, bay nhảy xung quanh những phiến đá.
"Cuộc sống phần lớn dựa vào rừng nhưng từ bao đời cha ông tôi chỉ khai thác vừa đủ để rừng còn phát triển. Cũng vì thế mà quanh bản làng động vật sinh sôi rất nhiều. Nhưng rồi đến khi bị bắn, bẫy, rồi rừng bị tàn phá, thú rừng bỏ đi hết. Nhiều người cho rằng do bị săn bắt nhiều quá dẫn đến tuyệt chủng luôn rồi", già làng Hồ Ai chia sẻ.
Cũng từ đó hình ảnh về đàn voọc chuyền qua các lèn đá kiếm ăn chỉ được bậc cao niên kể lại cho con cháu. Bậc hậu bối qua thông tin sách báo vô cùng tiếc nuối khi loài linh trưởng quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam và Thế giới, đang ở mức nguy cấp từng cư ngụ nơi đây đã biến mất.
Sau hơn 40 năm "xa bản", đầu năm 2024, người dân xã Trường Sơn khi vào núi Lèn Chồng bất ngờ chứng kiến cảnh đàn Voọc gáy trắng kiếm ăn trên những lèn đá. Người dân vui mừng chụp hình, quay lại video và báo chính quyền, cơ quan chức năng.
"Tôi rất vui mừng khi thấy đàn voọc quý quay trở lại với núi rừng Trường Sơn. Hơn 40 năm rồi, những thú quý mới tìm về vùng đất này sau thời điểm bị săn lùng. Đó thực sự là một điều kỳ diệu và là niềm vui lớn của người dân địa phương", ông Nguyễn Văn Tráng, trú xã Trường Sơn chia sẻ.
Thời gian qua, người dân chứng kiến hình ảnh một đàn voọc khoảng từ 12-20 con kiếm ăn trên lèn đá rồi xuống khe uống nước, nô đùa cùng nhau. Thức ăn của loài linh trưởng này là các loại lá cây rừng ở trên vách đá cao, chúng không phá phách cây cối, hoa màu nên không bị người dân xua đuổi.
Theo người dân địa phương, sau khi được tiếp thu nhiều thông tin, nhận thức người dân được nâng cao, nên khi có thú rừng quý hiếm xuất hiện họ không có ý định săn bắt mà tìm cách chung tay bảo vệ để có thêm nhiều loài khác tìm về các khu rừng gần bản sinh sống.
"Tần suất đàn voọc xuất hiện cũng rất thất thường, có khi cả tháng trời mới được chứng kiến một lần, có khi 3-4 ngày đã nhìn thấy chúng trở lại. Dân bản không ai nghĩ tới chuyện săn bắt mà tìm đến chỉ để ngắm và ngăn cản những người có hành động xấu, săn bắt", ông Nguyễn Văn Tào, Phó trưởng bản Khe Cát, xã Trường Sơn cho biết.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho hay, sau khi nhận thông tin từ người dân, lực lượng chức năng đã tiến hành khảo sát xác định đàn linh trưởng xuất hiện tại ngọn Lèn Chồng là Voọc gáy trắng. Hiện chưa thể xác định số lượng cá thể đàn voọc tại địa phương. Người dân ước tính, khu vực Khe Cát có ít nhất 2 đàn voọc với khoảng 30 cá thể.
"Sự trở lại của đàn voọc sau hơn 40 năm vắng bóng không chỉ làm nức lòng dân bản, các nhà khoa học - mà còn là dấu mốc lịch sử trong việc bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học của khu vực núi Lèn Chồng. Đây như là một hành trình đầy thách thức trong sự hồi sinh của chúng ở những cánh rừng trên dãy Trường Sơn", ông Đức chia sẻ.
Sự trở lại của loài động vật quý hiếm này là niềm vui và cũng là thách thức trong công tác bảo tồn. Chính quyền, Hạt Kiểm lâm huyện, Đồn Biên phòng Làng Mô, các chủ rừng… phối hợp triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ đàn voọc hiệu quả.
Từ khi có sự xuất hiện của đàn Voọc gáy trắng ở núi Lèn Chồng, khu vực này được canh giữ nghiêm ngặt, bố trí kiểm lâm địa bàn túc trực 24/24 giờ.
Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để bảo vệ, phát triển rừng, nghiêm cấm các hành vi săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thịt thú rừng nói chung và Voọc gáy trắng nói riêng.
Người dân sẽ là đầu mối để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại rừng và các loài động vật hoang dã trái phép. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các loài thú quý hiếm và đàn voọc ở địa phương.
Voọc gáy trắng hay voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, là một trong những loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, cần ưu tiên bảo tồn. Voọc gáy trắng là loài đặc hữu của khu vực miền Trung Việt Nam và Lào.