Đan Mạch giảm sản lượng nông nghiệp vì mục tiêu khí hậu
Ngày 22/2, một nhóm cố vấn của chính phủ Đan Mạch cho biết, nông dân nước này phải giảm sản lượng tới 1/5 vào năm 2030 nếu muốn đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu.
Đan Mạch - nước xuất khẩu lớn về thịt lợn và sữa có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế khí thải đối với nông nghiệp, một động thái nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở nước này, sau khi New Zealand năm ngoái đẩy lùi mức thuế này đến hết năm 2025.
Ngành nông nghiệp đã nóng lên khi Liên minh châu Âu cố gắng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nông dân trên toàn khối đã phản đối trong nhiều tuần, nói rằng họ đang phải đối mặt với chi phí và thuế ngày càng tăng, chưa kể các quy định môi trường quá mức.
Theo tổ chức nghiên cứu khí hậu Đan Mạch Concito, hơn một nửa đất đai của Đan Mạch được trồng trọt, trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 1/3 lượng khí thải carbon của đất nước.
Trong một báo cáo đưa ra 3 kịch bản đánh thuế nông nghiệp, các cố vấn chính phủ cho biết, thuế carbon đối với nông dân có thể giúp Đan Mạch đạt được mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý vào năm 2030 là cắt giảm 70% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 1990, hoặc tương đương khoảng 20 triệu tấn CO2. Nhưng biện pháp như vậy có nghĩa là người nông dân phải chịu chi phí cao hơn và hậu quả là sản lượng thấp hơn.
Mức thuế 750 krone Đan Mạch (109 USD) trên một triệu tấn carbon dioxide (CO2) thải ra sẽ có tác động rất lớn. Nhóm cũng xem xét mức thuế thấp hơn ở mức 350 krone và 150 krone.
Giáo sư Michael Svarrer - người đứng đầu nhóm cố vấn cho biết: “Tất cả các mô hình của chúng tôi sẽ đồng nghĩa với việc giảm sản lượng nông nghiệp và việc làm. Điều này sẽ ít ảnh hưởng đối với người tiêu dùng, nhưng những người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn”.
Ba kịch bản sẽ giảm sản lượng nông nghiệp từ 6 - 15%, trong đó sản lượng gia súc và lợn sẽ giảm khoảng 20% theo kịch bản thuế cao nhất.