Đan Mạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 70, cao nhất châu Âu

Đan Mạch sẽ trở thành quốc gia có tuổi nghỉ hưu cao nhất châu Âu sau khi Quốc hội nước này thông qua kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 70. Chính phủ cho rằng động thái này cần thiết để duy trì hệ thống phúc lợi, song quyết định này đang vấp phải nhiều tranh cãi.

Cung điện Christiansborg, trụ sở của Quốc hội Đan Mạch. Ảnh: Shutterstock

Cung điện Christiansborg, trụ sở của Quốc hội Đan Mạch. Ảnh: Shutterstock

Tuổi nghỉ hưu tại Đan Mạch sẽ tăng theo lộ trình từ năm 2040

Theo CNN, Dự luật được thông qua hôm 22.5 với 81 phiếu thuận và 21 phiếu chống. Theo quy định mới, những người sinh sau ngày 31.12.1970 sẽ phải làm việc đến 70 tuổi mới đủ điều kiện nghỉ hưu.

Hiện tại, độ tuổi nghỉ hưu trung bình ở Đan Mạch là 67, nhưng với những người sinh từ ngày 1.1.1967 trở đi, con số này có thể lên đến 69 tuổi.

Bộ trưởng Lao động Ane Halsboe-Jørgensen cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là cần thiết để “đảm bảo hệ thống phúc lợi đủ bền vững cho các thế hệ tương lai”.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đan Mạch, quốc gia Bắc Âu này hiện có gần 6 triệu dân, trong đó khoảng 713.000 người ở độ tuổi từ 60-69, và khoảng 580.000 người từ 70-79 tuổi.

Hiệp hội F&P – tổ chức đại diện cho các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí – nhận định trong thông cáo báo chí phát đi hôm 23.5 rằng: “ Những thay đổi trong vài năm qua cho thấy ngày càng nhiều người Đan Mạch vẫn tiếp tục làm việc cho đến, thậm chí vượt qua độ tuổi nghỉ hưu.”

Hiện có khoảng 80.000 người trên độ tuổi nghỉ hưu chính thức vẫn đang làm việc ở Đan Mạch. F&P cho rằng xu hướng này xuất phát từ nền kinh tế ổn định, các chính sách linh hoạt của doanh nghiệp, ưu đãi tài chính tốt hơn, và quan trọng là sự sẵn lòng tiếp tục làm việc của người lao động.

“Với nhiều người Đan Mạch, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 70 vào năm 2040 nghe có vẻ quá sức,” ông Jan V. Hansen, Giám đốc bộ phận hưu trí của F&P nói. “Tuy nhiên, các số liệu cho thấy ngày càng nhiều người sẵn sàng làm việc lâu hơn.”

Ông bổ sung: “Điều tích cực là không chỉ có sức khỏe, nhiều người Đan Mạch còn mong muốn tiếp tục làm việc, kể cả khi đã đến tuổi được nghỉ.”

"Quá cao một cách vô lý"

Tuy nhiên, kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Một số ý kiến cho rằng mức tăng này là quá cao, nhất là khi nhiều người lao động chân tay khó có thể làm việc đến tuổi 70, trong khi một số nhóm khác vẫn được nghỉ hưu sớm với điều kiện ưu đãi.

“Không thể hiểu nổi. Không thể giải thích được. Cũng không thể biện hộ nổi,” nghị sĩ Pelle Dragsted phát biểu trong một bài đăng, cho rằng giáo viên, thợ xây và nhiều người lao động chân tay khác đã lên tiếng rằng họ không thể làm việc thêm nhiều năm như vậy.

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên ở châu Âu đặt tuổi nghỉ hưu vượt mốc 60. Với quyết định mới, nước này sẽ nằm trong nhóm các quốc gia có tuổi nghỉ hưu cao nhất thế giới, ngang hàng với Libya.

Tại Pháp, chỉ riêng việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 cũng đã khiến hơn một triệu người xuống đường biểu tình vào tháng 3.2023. Con số này vẫn thấp hơn 6 năm so với mức mới của Đan Mạch.

Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cũng thông qua kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của nam giới từ 60 lên 63, và của nữ giới từ 50–55 lên 55–58, tùy theo ngành nghề.

Tại Anh, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên 67 trong giai đoạn từ 2026 đến 2028, với khả năng tăng tiếp lên 68 sau khi đánh giá lại.

Trong khi đó, tại Mỹ, một số quyền lợi an sinh xã hội bắt đầu được hưởng từ tuổi 62, dù độ tuổi nghỉ hưu đầy đủ tương đương với Anh. Những tiến bộ về y tế, tuổi thọ cao hơn và xu hướng làm việc từ xa đang khiến nhiều người Mỹ lựa chọn tiếp tục làm việc ở tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, trong nhiều trường hợp, động lực chính không phải đam mê công việc, mà là vì áp lực tài chính.

N.THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/dan-mach-nang-tuoi-nghi-huu-len-70-cao-nhat-chau-au-136541.html