Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 19/5 - 24/5

OPEC vẫn lạc quan về nhu cầu dầu; nhà chức trách Mỹ gia hạn lệnh miễn trừ cho phép Chevron tiếp tục hoạt động tại Venezuela... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:

1. Chính phủ liên bang Mỹ sẽ gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt, cho phép Chevron tiếp tục kinh doanh tại Venezuela thêm 60 ngày nữa khi các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Maduro vẫn đang tiếp tục, Bloomberg đưa tin.

Chevron có những kế hoạch lớn cho hoạt động của mình tại Venezuela, nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu từ dự án Petropiar, đạt mức 143.000 thùng mỗi ngày. Thời điểm hiện tại, những kế hoạch này có cơ hội thành hiện thực nếu Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi ý tưởng hoán đổi các lệnh trừng phạt lấy thuế quan và gia hạn giấy phép cho công ty này.

2. Các nhà khai thác khí đốt tự nhiên của Indonesia đã ký một thỏa thuận hoán đổi khí đốt đa bên với các nhà giao dịch Indonesia và Singapore, nhằm tăng cường an ninh cung cấp khí đốt ở miền Tây nước này.

Khi sản lượng khí đốt ở Sumatra, miền Tây Indonesia, đang giảm, các công ty và cơ quan quản lý đang tìm cách chuyển hướng nguồn cung khí đốt trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời bán khí đốt từ các khu vực khác ra nước ngoài.

3. Công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ, Continental Resources, đã ước tính rằng lưu vực Diyarbakır ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ có trữ lượng 6,1 tỷ thùng dầu đá phiến.

Vào tháng 3 năm nay, công ty dầu khí quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ (TPAO) đã ký một thỏa thuận với Continental Resources và TransAtlantic Petroleum để thăm dò và có thể phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí phi truyền thống tại lưu vực Diyarbakır.

4. Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện một thay đổi chính sách lớn bằng cách mở cửa lĩnh vực năng lượng hạt nhân cho các nhà đầu tư nước ngoài - vốn bị hạn chế trong suốt một thời gian dài.

Tối đa 49% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể được phép tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tuy nhiên quá trình nới lỏng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu với mức trần 26%. Mức trần này có thể được nâng lên sau khi đánh giá lại.

5. Ông lớn TotalEnergies của Pháp đang triển khai cụm dự án năng lượng mặt trời lớn nhất của mình tại Châu Âu, bao gồm 5 dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 263 MW gần Seville, Tây Ban Nha.

TotalEnergies cho rằng mỏ năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất 515 GWh điện tái tạo mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ của hơn 150.000 hộ gia đình Tây Ban Nha và sẽ tránh được 245.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

6. OPEC vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, bất chấp những trở ngại gần đây như rủi ro thương mại và kinh tế toàn cầu, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais mới đây cho biết.

Tổng Thư ký Al Ghais nhấn mạnh rằng kỳ vọng của OPEC vẫn mang tính lạc quan, bất chấp những diễn biến kinh tế toàn cầu gần đây, với tăng trưởng kinh tế thế giơi năm nay được dự báo ở mức 2,9%, trong khi năm 2026 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 3,1%.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-195-245-727911.html