Dân mạng Trung Quốc chỉ trích Microsoft vì yêu cầu nhân viên dùng iPhone, đề nghị xem xét smartphone Huawei
Microsoft bảo vệ yêu cầu sử dụng iPhone tại nơi làm việc với tất cả nhân viên ở Trung Quốc, nói rằng điều đó là cần thiết do không có dịch vụ di động của Google ở nước này.
Là một phần trong sáng kiến an ninh mạng toàn cầu nhằm chống lại hacker trên thế giới, Microsoft đã bắt đầu yêu cầu tất cả nhân viên ở Trung Quốc xác minh danh tính của họ thông qua trình quản lý mật khẩu Microsoft Authenticator và ứng dụng Identity Pass, chỉ có trên Apple App Store và Google Play.
Identity Pass là ứng dụng di động do Microsoft phát triển, có các tính năng sau:
- Xác minh danh tính: Giúp người dùng xác minh danh tính của họ khi đăng nhập vào các tài khoản Microsoft, ứng dụng và dịch vụ khác.
- Quản lý mật khẩu: Cho phép người dùng lưu trữ và quản lý mật khẩu một cách an toàn, đồng thời tự động điền thông tin đăng nhập khi cần thiết.
- Xác thực đa yếu tố (MFA): Cung cấp thêm một lớp bảo mật bằng cách yêu cầu người dùng nhập mã xác minh từ ứng dụng ngoài việc sử dụng mật khẩu.
- Quản lý quyền truy cập: Cho phép người dùng kiểm soát quyền truy cập vào các tài nguyên của Microsoft, chẳng hạn như Azure AD.
Hôm 9.7, một đại diện Microsoft nói công ty có kế hoạch cung cấp thiết bị Apple chạy iOS (hay iPhone) cho nhân viên ở Trung Quốc đại lục để họ có thể truy cập ứng dụng Microsoft Authenticator và Identity Pass do “thiếu dịch vụ di động của Google ở khu vực này”.
Dịch vụ di động của Google (tập hợp các ứng dụng như Play, Search, YouTube và Gmail) bị chặn ở Trung Quốc đại lục.
Theo hãng tin Bloomberg, nhân viên Microsoft tại Trung Quốc đang sử dụng thiết bị cầm tay Android sẽ được tặng một chiếc iPhone 15.
Không giống Apple App Store, Google Play không khả dụng ở Trung Quốc, nên các nhà sản xuất smartphone nội địa như Huawei và Xiaomi vận hành các nền tảng riêng của họ.
Bất kỳ nhân viên nào sử dụng thiết bị Android, gồm cả do Huawei hoặc Xiaomi sản xuất, sẽ được Microsoft cung cấp iPhone 15 một lần duy nhất.
Microsoft sẽ cung cấp iPhone 15 để nhân viên đến nhận tại các điểm thu thập khác nhau trên khắp Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông - nơi các dịch vụ của Google có thể truy cập được.
Động thái từ Microsoft cho thấy những thách thức mà gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt khi hoạt động trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu bị chia cắt giữa hệ thống của Mỹ và Trung Quốc.
Google đã rút công cụ tìm kiếm của mình ra khỏi Trung Quốc đại lục từ năm 2010 sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ từ chối tuân theo các quy định kiểm duyệt trong nước này. Kể từ đó, người dùng thiết bị Android ở Trung Quốc đại lục không thể truy cập phần lớn dịch vụ của Google mà thay vào đó phải dựa vào các lựa chọn thay thế trong nước, gồm cả các cửa hàng ứng dụng do những công ty địa phương điều hành.
Trong khi đó, Microsoft đã hoạt động tại Trung Quốc từ năm 1992, cung cấp quyền truy cập vào bộ ứng dụng văn phòng 365 Office, công cụ tìm kiếm Bing và các dịch vụ điện toán đám mây Azure, đồng thời thích ứng với nhu cầu pháp lý ngày càng tăng của Bắc Kinh về bảo mật dữ liệu cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ địa phương.
Tại Mỹ, Microsoft đang phải đối mặt với sự giám sát chính trị ngày càng tăng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Chủ tịch Microsoft - Brad Smith đã bị các nhà lập pháp Mỹ thẩm vấn vào tháng trước về cách công ty có thể bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ trong khi vẫn tham gia vào hoạt động phát triển công nghệ ở Trung Quốc.
Brad Smith cho biết Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% doanh thu toàn cầu của Microsoft và xác nhận rằng công ty đang đề nghị 700 đến 800 nhân viên làm việc trong lĩnh vực học máy ở nước châu Á này chuyển sang các thị trường khác.
"Cung cấp cơ hội nội bộ là một phần thường xuyên trong việc quản lý doanh nghiệp toàn cầu của chúng tôi. Trong quá trình này, chúng tôi đã chia sẻ một cơ hội chuyển công tác nội bộ tùy chọn với một số nhân viên", người phát ngôn Microsoft cho biết.
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Microsoft vẫn cam kết với Trung Quốc và sẽ tiếp tục hoạt động ở đó cùng các thị trường khác, người phát ngôn nói thêm.
Các nhân viên Microsoft, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, được cung cấp lựa chọn chuyển đến Mỹ, Ireland, Úc và New Zealand, The Wall Street Journal cho biết, dựa trên nguồn tin quen biết với vấn đề này.
Microsoft đã tăng cường bảo mật trên toàn thế giới sau khi liên tục bị hacker tấn công, với một vụ xâm phạm liên quan đến hacker Nga được tiết lộ vào tháng 1 ảnh hưởng đến hàng chục cơ quan chính phủ Mỹ, gồm cả Bộ Ngoại giao. Gã khổng lồ phần mềm phải đối mặt với áp lực và lời chỉ trích đáng kể từ các nhà làm luật Mỹ để cải thiện các vấn đề về an ninh của mình.
Hồi tháng 5, Phó chủ tịch điều hành Microsoft - Charlie Bell cho biết: "Chúng tôi đang ưu tiên bảo mật lên hàng đầu tại Microsoft, trên hết tất cả những thứ khác”.
Microsoft đã cam kết thực hiện đợt cải tổ bảo mật tham vọng nhất trong 2 thập kỷ với Sáng kiến Tương lai An toàn Toàn cầu. Trong số các bước khác, Microsoft cho biết sẽ hành động nhanh hơn để giải quyết các lỗ hổng bảo mật đám mây, khiến hacker khó đánh cắp thông tin đăng nhập hơn và tự động thực thi xác thực đa yếu tố cho nhân viên.
Dân mạng Trung Quốc chỉ trích quyết định của Microsoft, đề nghị xem xét smartphone chạy HarmonyOS của Huawei
Dù Microsoft vẫn khẳng định rằng việc yêu cầu nhân viên ở Trung Quốc chuyển sang dùng thiết bị Apple chạy iOS là dựa trên những lý do thực tế, nhưng động thái này vẫn gây ra sự phản đối trong cộng đồng người dùng mạng xã hội Trung Quốc yêu nước vốn ưa chuộng các thương hiệu địa phương.
Một bài đăng trên Weibo mô tả về quy định mới của Microsoft với nhân viên ở Trung Quốc đã thu hút hơn 27.000 bình luận. Trong đó, một người dùng cho rằng Microsoft đã tạo tiền lệ cho các công ty nước ngoài cấm sử dụng smartphone Android của Trung Quốc trong nội bộ nước này.
Một người dùng khác đặt câu hỏi về quyết định của Microsoft, gợi ý rằng công ty Mỹ nên xem xét smartphone chạy hệ điều hành HarmonyOS, giải pháp thay thế Android do Huawei phát triển.
HarmonyOS là hệ điều hành độc quyền của Huawei được ra mắt vào năm 2019, khi các hạn chế về công nghệ từ Mỹ cắt đứt sự hỗ trợ của Google với hệ điều hành Android mà gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từng sử dụng trên smartphone.
Hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei đã hồi sinh kể từ khi ra mắt dòng Mate 60 hỗ trợ 5G, tích hợp chip Kirin 9000s vào năm ngoái.
Doanh số smartphone chạy HarmonyOS đã tăng 68% trong 5 tháng đầu năm 2024, Richard Yu (Chủ tịch mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei) cho biết.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, HarmonyOS đã vượt qua iOS về thị phần để trở thành hệ điều hành di động lớn thứ hai ở Trung Quốc trong quý 1/2024.
HarmonyOS chiếm 17% thị phần trong quý này để lần đầu tiên vượt qua iOS tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ với các smartphone 5G mới nhất của Huawei, thúc đẩy việc áp dụng hệ điều hành di động do công ty tự phát triển.
Huawei đã chứng kiến sự hiện diện trong nước của HarmonyOS tăng hơn gấp đôi, từ 8% thị phần ở quý 1/2023, sau khi quay trở lại phân khúc smartphone 5G vào năm ngoái bằng dòng Mate 60.
iOS tụt lại phía sau một chút với 16% thị phần ở Trung Quốc vào quý 1/2024, trong khi Android tiếp tục thống trị thị trường với 68% thị phần trong cùng thời kỳ.
Theo Counterpoint Research, thị phần của HarmonyOS dự kiến sẽ “tăng hơn nữa khi Huawei tập trung vào nội địa hóa chuỗi cung ứng”.
Các phiên bản HarmonyOS đầu tiên bị chỉ trích là không khác gì một biến thể của Android. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất HarmonyOS Next, được phát hành dưới dạng bản xem trước dành cho nhà phát triển vào tháng 2, đã mang đến sự khác biệt hơn. HarmonyOS Next sẽ không còn hỗ trợ các ứng dụng dựa trên Android nữa.
Huawei có kế hoạch phát hành HarmonyOS Next với dòng smartphone hàng đầu Mate 70 vào cuối năm 2024, Chủ tịch luân phiên Eric Xu Zhijun cho biết hồi tháng 5.