Dân mới là vạn đại và ai cũng trở về làm dân
Nếu chín muồi mới tiến hành sửa đổi, còn chưa chín muồi thì nên dời lại, không lỡ mất cơ hội. Việc dời xem xét hai luật này thêm một kỳ họp Quốc hội hi vọng là vì tinh thần đó.
LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Hai tuần qua, Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đã tiếp nhận/đăng tải nhiều ý kiến nhân dịp sửa đổi hai luật doanh nghiệp và đầu tư. Dù khác nhau, các ý kiến đó đều đầy tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, cho sự phát triển của đất nước.
Dịp sửa đổi Luật Doanh nghiệp/Luật Đầu tư phải được nhìn nhận là một cơ hội lớn để tạo ra bước đột phá trong môi trường kinh doanh, để chỉnh sửa quan hệ còn chồng lấn, ngổn ngang giữa Nhà nước và thị trường với mục đích cao nhất là tạo lòng tin của nhà đầu tư, thu hút nguồn lực còn tiềm tàng trong dân cho phát triển kinh tế.
Với tư duy đó, sửa đổi hai luật này không thể, không nên là sửa đổi những khó khăn, vướng mắc mang tính kỹ thuật, những rào cản hành chính vụn vặt trong môi trường kinh doanh - những yếu tố đương nhiên cần gỡ bỏ. Nếu chỉ là sửa chữa vụn vặt, thì vài năm nữa, lại phải sửa chữa tiếp - điều đang diễn ra với Luật Doanh nghiệp 2014.
Nếu chín muồi mới tiến hành sửa đổi, còn chưa chín muồi thì nên dời lại, không lỡ mất cơ hội. Việc dời xem xét hai luật này thêm một kỳ họp Quốc hội hi vọng là vì tinh thần đó.
Thách thức, đòi hỏi có rất nhiều. Một nhà kinh tế viết cho chúng tôi: “Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này mà cho phép thành lập văn phòng ảo, chí ít là đối với một số ngành nghề hoặc nhóm đối tượng, sẽ có tác động vô cùng lớn với việc khởi sự doanh nghiệp. Tinh thần 4.0. phải được thể hiện ngay trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp sắp tới này. Chẳng cần hô hào nhiều, chỉ cần cho phép thành lập văn phòng ảo để những người khởi sự doanh nghiệp, đặc biệt là sinh viên, dễ dàng khởi sự đã là một hành động thiết thực nhất để hướng tới công nghiệp 4.0 rồi”.
Đó là một thực tế các nhà làm luật phải đối diện và giải quyết. Tư duy cứ thành lập doanh nghiệp là phải có hoặc thuê văn phòng như hiện nay vừa là trở ngại, đặt gánh nặng chi phí lớn cho doanh nghiệp, vừa bóp chết những startup trước khi họ thu được thành quả.
Một doanh nhân cho biết thêm, nhu cầu thuê văn phòng mini, văn phòng chia sẻ là rất lớn nhưng Nhà nước lại quy định con dấu, giấy tờ phải để ở văn phòng chính. Vậy với văn phòng tiết kiệm, ai sẽ đảm bảo về sự an toàn cho các hồ sơ và con dấu trên và nếu chiếu theo quy định là doanh nghiệp bị phạt.
Khi vừa khởi nghiệp, văn phòng làm việc phải tuân thủ ngay các quy định về phòng cháy chữa cháy, đóng bảo hiểm, kế toán thuế, pháp luật.... ngốn khá nhiều tiền trong khi mới khởi nghiệp anh chưa thể có doanh thu.
Chúng ta đang nói về quốc gia khởi nghiệp nhưng hầu như không có quy định nào đồng hành cùng các công ty khởi nghiệp như tiếp cận vốn, giảm các chi phí và đơn giản các thủ tục để giúp doanh nghiệp trẻ tập trung làm ăn, an tâm phát triển và đóng thuế cho Nhà nước. Ngược lại, hoạt động ban đầu của doanh nghiệp khổ trăm bề mà các cơ quan thuế và cơ quan chức năng luôn nhăm nhe phạt. “Các quy định nhiều như ma trận mà doanh nghiệp không biết đằng nào mà tuân thủ, đều phải vi phạm và án phạt luôn treo trên đầu chúng tôi. Chúng tôi không cảm thấy an toàn trong kinh doanh và nhiều khi thấy nản chí vô cùng”.
Một doanh nhân khác chia sẻ thêm, còn 2 tuần nữa nữa là đến tháng 3, thời hạn nộp báo cáo thuế; qua ngày này doanh nghiệp không nộp báo cáo thuế thì sẽ bị phạt. Vấn đề là phần mềm hỗ trợ kê khai thuế qua mạng lại bị lỗi mà năm nào cũng bị như vậy vào dịp nộp báo cáo. Doanh nghiệp khai thuế không kịp là phạt, bị hạch sách khi quyết toán thuế. Vì thế, vị giám đốc luôn cảm thấy lo âu, bất an những ngày này.
Thủ tục rắc rối, rườm rà thực ra chỉ là cái cớ để hành doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí “bôi trơn” vẫn chiếm đến 58% năm 2017, giảm chút ít so với tỷ lệ 64% năm 2007, theo các báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Như vậy, sau 10 năm, tỷ lệ doanh nghiệp phải bôi trơn không giảm được bao nhiêu và vẫn chiếm đa số.
Chính phủ luôn nhất quán trong nỗ lực cải thiện mội trường kinh doanh qua việc ban hành liên tục các nghị quyết 19 và 02. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, sau 5 năm qua, có 6 chỉ số tăng hạng trong khi có vẫn có 4 chỉ số giảm hạng như đăng ký tài sản giảm 17 bậc; thương mại qua biên giới giảm 25 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc; phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc. Đây là các chỉ số đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cấp trình độ kinh tế thị trường của Việt Nam.
Trước khi Luật Doanh nghiệp đầu tiên được thông qua, chỉ có gần 47.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập trong giai đoạn 1991-1999. Trong năm 2000, năm đầu tiên luật đi vào cuộc sống với tinh thần khai phá “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, có tới 15.500 doanh nghiệp đăng ký. Đến nay, sau hơn 20 năm, tổng số doanh nghiệp trên cả nước lên tới 750.000, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhưng con số đó chỉ là một góc nhìn. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn chỉ chiếm vỏn vẹn 8-9%GDP trong suốt cả thập kỷ qua, chứng tỏ họ vẫn chỉ lẹt đẹt, không lớn lên nổi.
Đến nay người dân vẫn luôn nhắc tới với lòng biết ơn cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Trần Xuân Giá, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung,…bên Chính phủ; ông Mai Thúc Lân, ông Nguyễn Văn Phúc, bà Ngô Bá Thành… bên Quốc hội; cũng như nhiều chuyên gia tên tuổi khác là những thế hệ đầu tiên góp sức cho Luật Doanh nghiệp 1999, giúp hồi sinh lại khu vực kinh tế bị bầm dập, vùi lấp trong suốt nhiều thập kỷ trước.
"Lòng biết ơn” của người dân cần được nối dài với thế hệ hiện nay đang gánh trách nhiệm sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Vì thế, cần có một luật đột phá cho người dân vì suy cho cùng, dân mới là vạn đại và ai rồi cũng trở về làm dân.