Dân Myanmar sốc, phản ứng trái chiều trước chính biến

Tức giận và bất an là tâm lý chung của nhiều công dân Myanmar trong và ngoài nước, song vẫn có một số người vui mừng sau cuộc chính biến hôm 1-2.

Sau cuộc chính biến hôm 1-2, người dân Myanmar trong nước đã có những phản ứng trái chiều, trong khi nhiều công dân nước này ở Nhật và Thái Lan đã xuống đường biểu tình.

Trong nước phản ứng trái chiều

Sau khi lực lượng quân đội bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự, những người nhiệt thành ủng hộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, đã đổ ra các đường phố ở cố đô Yangon để ăn mừng, theo báo Bangkok Post.

Những người này cho biết việc quân đội Myanmar giành lấy quyền lực hôm 1-2 đã khiến "mọi người đều vui mừng".

Một số người ủng hộ quân đội Myanmar tuần hành ở cố đô Yangon sau cuộc chính biến ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: REUTERS

Một số người ủng hộ quân đội Myanmar tuần hành ở cố đô Yangon sau cuộc chính biến ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: REUTERS

Theo Bangkok Post, không có cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự nào diễn ra ở Yangon hay thủ đô Naypyidaw. Tuy nhiên, không ít người dân Myanmar cảm thấy bất an trước hành động của quân đội.

Một số người dân Myanmar mà Bangkok Post tiếp cận được cảm thấy tức giận khi quân đội muốn trở lại nắm quyền, cảm thấy "bất an và sợ hãi" vì "không được sự bảo vệ của pháp luật".

Những người này khẳng định kết quả kiểm phiếu là chính xác, cho rằng người dân Myanmar đều biết Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái - đồng nghĩa với việc phủ nhận lý do quân đội đưa ra để bắt giữ bà.

Sau chính biến sáng 1-2, hệ thống thông tin liên lạc ở Myanmar đã bị gián đoạn. Truyền thông quốc tế cho biết người dân và kể cả các quan chức thuộc chính quyền dân sự không thể liên hệ được qua điện thoại hay kết nối internet.

Người dân Myanmar xếp hàng mua hàng hóa thiết yếu sau khi quân đội tiến hành chính biến hôm 1-2. Ảnh: TWITTER

Người dân Myanmar xếp hàng mua hàng hóa thiết yếu sau khi quân đội tiến hành chính biến hôm 1-2. Ảnh: TWITTER

Các ngân hàng đã đóng cửa, trong khi hàng dài người dân vẫn xếp hàng chờ rút tiền. Các khu chợ cũng nhộn nhịp bất thường khi người dân đổ xô đi mua các hàng hóa thiết yếu.

Dân Myanmar ở nước ngoài sốc

Trong khi đó, hàng trăm người Myanmar ở Nhật đã tập trung bên ngoài Đại học Liên Hợp Quốc tại thủ đô Tokyo, cầm theo ảnh của bà Suu Kyi và hô to các khẩu hiệu phản đối chính biến ở Naypyidaw, hãng tin Reuters cho hay.

Những người biểu tình kêu gọi quân đội Myanmar công nhận kết quả tổng tuyển cử, dừng hành động chiếm đoạt quyền lực, cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi của quân đội Myanmar.

Người dân Myanmar ở Nhật biểu tình trước Đại học Liên Hợp Quốc (Tokyo) để kêu gọi thế giới lên án chính biến ở Myanmar. Ảnh: REUTERS

Người dân Myanmar ở Nhật biểu tình trước Đại học Liên Hợp Quốc (Tokyo) để kêu gọi thế giới lên án chính biến ở Myanmar. Ảnh: REUTERS

Một thành viên trong nhóm tổ chức biểu tình cho biết trong ngày 1-2, gần 800 người đã tham gia biểu tình ở Tokyo. Những người này lo lắng cho sự an toàn của bà Suu Kyi và lo cho gia đình mình ở quê nhà.

Khoảng 200 công nhân Myanmar đang làm việc tại Thái Lan cũng biểu tình trước Đại sứ quán Myanmar ở thủ đô Bangkok. Những người này mặc trang phục màu đỏ - màu sắc đặc trưng của NLD, giương cao áp phích có hình nữ lãnh đạo này với những từ ngữ gay gắt chỉ trích lực lượng quân đội Myanmar.

Người biểu tình Myanmar ở Thái Lan cho biết họ đã chán ghét chính quyền quân sự đã kéo dài hơn 50 năm (trước năm 2011) và yêu cầu "Mẹ Suu" - tên gọi thân thương mà người dân Myanmar dành cho bà Suu Kyi - phải được thả tự do.

Bangkok Post cho biết khoảng 20 người Thái, bao gồm một số lãnh đạo phong trào phản đối Hoàng gia Thái Lan, đã cùng tham gia cùng người biểu tình Myanmar.

Giới chức Bangkok đã yêu cầu khoảng 150 cảnh sát chống bạo động tới khu vực biểu tình. Một số người biểu tình Thái Lan đã bị bắt giữ vì hành vi ném đá, chai nước, bom khói màu vào lực lượng cảnh sát.

Người lao động Myanmar ở Thái Lan biểu tình trước Đại sứ quán Myanmar tại Bangkok để phản đối chính biến tại quê nhà. Ảnh: BANGKOK POST

Người lao động Myanmar ở Thái Lan biểu tình trước Đại sứ quán Myanmar tại Bangkok để phản đối chính biến tại quê nhà. Ảnh: BANGKOK POST

Trong khi đó, nhiều người nhập cư Myanmar ở Singapore sốc trước thông tin về chính biến ở quê nhà, theo kênh tin Channel News Asia.

Một người đàn ông Myanmar, 48 tuổi, nói với Channel News Asia rằng ban đầu, dù đã nhận được thông tin về cuộc chính biến nhiều lần, ông vẫn không tin quân đội Myanmar đã hành động như vậy.

Nhiều người Myanmar ở Singapore chung tâm trạng tức giận và lo lắng khi không thể liên lạc được với người thân ở quê nhà trong khi ở Singapore, họ chỉ có thể cầu nguyện.

Một lãnh đạo cộng đồng người Myanmar ở Singapore lo ngại cuộc chính biến có thể ảnh hưởng tới công tác chống dịch COVID-19, bao gồm chiến dịch tiêm vaccine, ở quê nhà.

Myanmar đang là ổ dịch COVID-19 lớn thứ tư Đông Nam Á, chỉ ít nghiêm trọng hơn Indonesia, Philippines và Malaysia. Theo số liệu do chính quyền Naypyidaw công bố, tổng số ca nhiễm ở Myanmar đã vượt qua con số 140.000, trong đó số ca tử vong là 3.131.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dan-myanmar-soc-phan-ung-trai-chieu-truoc-chinh-bien-965218.html