Dân ngập lụt ở Quảng Bình được di dời... lên vùng sạt lở
Vừa chuyển đến khu di dân mới để tránh ngập lụt, nhiều hộ dân ở Quảng Bình lại lo hàng nghìn khối đất đá chờ chực ập xuống nhà.
XEM CLIP:
Có nhà nhưng không dám ở
Dự án khu di dân khẩn cấp vùng ngập lụt lên vùng cao cửa Truông ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình được khởi công xây dựng từ năm 2015, chia thành 2 giai đoạn với tổng kinh phí 26 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình.
Hiện tại dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí khoảng hơn 10 tỷ đồng; đã đưa 41 hộ dân các vùng bị ngập lụt nặng nhất của xã về đây ở.
Các hộ dân phấn khởi vì thoát khỏi nơi trũng thấp, chịu cảnh lụt lội suốt nhiều năm. Tuy nhiên khi đến nơi ở mới chưa ấm chỗ, họ lại phải đi ở nhờ nhà người quen vì ở đây xảy ra sạt lở, hàng nghìn khối đất đá có thể ập xuống nhà bất cứ lúc nào.
Gia đình chị Trương Thị Thanh có 7 nhân khẩu, trước đây ở thôn 4 Kim Bảng của xã Minh Hóa. Do thường xuyên bị ngập lụt, tháng 6 năm nay gia đình chị cùng hơn 40 hộ dân khác di dời đến vùng cửa Truông tránh lũ theo chủ trương của xã.
Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng chị Thanh và nhiều người ở khu di dân cửa Truông vẫn chưa hết bàng hoàng khi 2h sáng ngày 3/9, mọi người đang ngủ thì giật mình hoảng hốt bởi tiếng nổ to. Quả đồi sau nhà bị nứt, hàng chục khối đất đá sạt vào nhà.
“Đang ngủ, chúng tôi hoảng sợ khi đất đá ập vào nhà. Một số đồ dùng bị hư hỏng, gà bị đè chết. Lúc đó không ai dám ngủ lại nữa mà phải ra ngoài ngồi chờ sáng để báo với xã. Xã đã tới kiểm tra và khuyên đi ở nhờ nhà bà con”, chị Thanh kể lại.
Không chỉ gia đình chị Thanh mà nhiều hộ khác phải đi ở nhờ nhà người quen trong những ngày mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua.
Huyện trích kinh phí dự phòng, hỗ trợ xã bốc đất sạt lở
Sau khi lũ rút, các gia đình bị sạt lở được quay lại nhưng họ không yên tâm sinh sống trong chính ngôi nhà của mình vì phía sau là dãy núi bị rạn nứt hàng chục mét.
Chỉ cần mưa là quả “bom đất” này có thể đổ ập xuống những ngôi nhà ở chân núi bất cứ lúc nào.
Ông Cao Long Vĩ, khu di dân cửa Truông cho biết: “Ngày mưa to chúng tôi phải đi ở nhờ, còn ngày bình thường về ở vẫn rất sợ. Giờ không ở cũng không biết làm sao vì nhà cửa đã chuyển lên đây hết rồi, đất ở nơi cũ đã bàn giao lại cho xã rồi”.
Theo quan sát, phía ta luy dương sau dãy nhà của người dân không có kè chống sạt lở, nhiều chỗ san bạt cao nhưng thẳng đứng và không được giật cấp nên khi mưa dài ngày đã xảy ra sạt, sụt rất nguy hiểm.
Chủ tịch xã Minh Hóa Cao Đình An cho biết: “Mỗi hộ dân khi đến đây được cấp gần 400m2 đất, bề rộng 12,5m, dài 30m. Bà con ở quá sát chân núi, chúng tôi đang vận động lùi ra vì phía trước đất còn rất nhiều”
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn thông tin: “41 hộ dân được di dời lên vùng cao cửa Truông vào tháng 6. Trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, vùng này lại bị sạt lở khiến hơn ngàn khối đất bị sạt xuống, ảnh hưởng đến đời sống bà con.
Sau khi kiểm tra tình hình, huyện đã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ xã bốc hết phần đất sạt lở, giúp người dân ổn định cuộc sống”.