'Dân nhậu' tuổi… học sinh
Một mùa dịch COVID- 19 vừa qua đi những đỉnh điểm, học sinh, sinh viên đã kết thúc gần hai năm học đầy thăng trầm. Những bữa tiệc chia tay lại tiếp tục diễn ra, rượu bia được thêm vào như một thứ 'gia vị tội lỗi'…
Khi người lớn là những “tấm gương” xấu xí!
Năm học 2022 vừa kết thúc, những buổi liên hoan liên tục được tổ chức. Bước vào một quán bình dân tại Hà Nội trên phố Tạ Hiện vào cuối tháng 5, không lạ khi thấy những em học sinh đang ngồi cạnh nhau, trên bàn bày la liệt những chén đĩa, chai rượu, lon bia. Khuôn mặt non nớt của các em đỏ ửng, ngà ngà say. Ngày nay không còn quá mới mẻ với hình ảnh các em học sinh sử dụng chất có cồn trong lễ chia tay năm học cuối năm nữa. Hầu hết, các em đều hẹn nhau vào những buổi riêng, khi không có phụ huynh và giáo viên đi kèm.
Còn nhớ, vụ việc các em học sinh lớp 9 ở xã Ngư Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tổ chức buổi “tiệc nhậu” chia tay trước sự ủng hộ của giáo viên chủ nhiệm. Việc này sẽ chẳng bao giờ lộ ra, nếu như chính cô giáo của các em không quay video rồi “ vui quá” phát tán trên mạng để thể hiện “tình cảm thầy trò”. Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Từ bao lâu nay, hình ảnh những cô, cậu học trò mới học cấp 1, cấp 2 đã có thể đi ra cửa hàng, siêu thị mua rượu, bia trở thành chuyện bình thường. Người bán hàng không hề phản ứng với những vị khách “nhỏ tuổi này”. Lúc đầu, các em có thể mua hộ bố mẹ mình. Thế nhưng việc chứng kiến anh, chị, cô dì, chú bác bia rượu thường xuyên, các em tò mò và bắt đầu uống thử rượu từ khi còn rất trẻ. Thậm chí các cô cậu xem đó là chuyện đương nhiên. Uống trong mọi nỗi buồn vui như… “người lớn”…
Mới gần đây, vào tháng 4/2022, một bé trai 2 tuổi ở Bắc Hà, Lào Cai sau khi uống khoảng 200ml rượu đã bất tỉnh, theo chẩn đoán cháu đã bị ngộ độc rượu. Tuy may mắn được đi cấp cứu kịp thời, nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé hai tuổi là không hề nhỏ. Bác sĩ Lý Trần Tình (Nguyên Giám đốc bệnh viện tâm thần Hà Nội) cho hay, trong bia rượu vẫn tồn tại một lượng cồn công nghiệp nhất định. Cồn có thể gây kích thích thần kinh gây hại cho não của trẻ nhỏ. Ban đầu, nếu chỉ uống một vài ngụm nhỏ thì chưa có vấn đề lớn, nhưng nếu dùng càng nhiều, hậu quả sẽ ngày càng nặng nề.
Một vụ việc đau lòng xảy ra vào năm 2022, nữ sinh học lớp 9 tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La sau khi say rượu đã bị một nhóm thanh niên hãm hiếp tập thể. Theo xác định của Công an huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết, vụ việc xảy ra từ 3/2022 đến ngày 14/4 gia đình bị hại đã lên trình báo công an huyện Quỳnh Nhai và tố giác về hành vi hiếp dâm này. Các đối tượng được xác định hầu hết đều là bạn bè quen biết với nạn nhân.
Kết quả điều tra năm 2003 – 2008 đã cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên đã tăng 9%. Tỷ lệ nam thanh niên sử dùng rượu bia là 79,9% và nữ là 36,5%. Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu bia trong độ tuổi 14 – 17 tuổi rất cao với 47,5%. Theo điều tra sức khỏe năm 2013, có 43,8% học sinh lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần.
“Sau khi cháu uống say đã… đánh người”
Theo ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49; chiếm 36,2% ở nam giới, 0,7% ở nữ giới (WHO-2014).
Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi sử dụng chất kích thích vẫn còn phổ biến. Khi các em học sinh mua bán rượu, người bán không hề kiểm tra chứng minh thư hay căn cước công dân mà vẫn thản nhiên bán cho các em. Kênh youtube tên Đinh Khải Miên có đăng video ghi lại hình ảnh một nhóm học sinh nữ trong độ tuổi từ 13-15 tuổi ngồi trên mâm cơm với đầy đủ “đồ nhắm”, mỗi em cầm bát rượu hô “1, 2, 3 dô!” - không khác người lớn. Ngoài ra, chỉ cần lướt vài video trên youtube, không khó để thấy clip say xỉn của những “bợm nhậu” sinh năm 2008, nằm la liệt trên đường đến mức không dắt nổi xe đạp về. Người lớn đứng xung quanh ồ lên cười, rồi cho qua, không ai nghiêm khắc nhắc nhở những em học sinh này.
Tuy luật đã quy định việc xử phạt dành cho trẻ vị thành niên khi các em sử dụng rượu bia. Nhưng chưa bao giờ thấy phụ huynh hoặc những người bán hàng phải chịu phạt. Phần lớn, luật pháp chỉ được áp dụng khi các em đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong chương trình “Pháp luật & Đời sống” năm 2020, một khán giả huyện Chương Mỹ ( Hà Nội) có câu hỏi cho luật sư về việc con trai của mình hiện là học sinh lớp 10, “sau khi cháu uống say đã ra tay đánh người”. Trong trường hợp này, luật sư trả lời, nếu con trai của khán giả đánh người gây thương tích trên 11%, cháu sẽ bị quy vào tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, nếu trên 16 tuổi, cháu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nếu dưới 16 tuổi, theo điều 9 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cháu phải chịu tội Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 - 15 năm tù. Chắc chắn, phụ huynh cũng phải nộp phạt vì đã không quản lý được việc uống rượu của con trai mình.
Hiện nay, kiểm soát việc uống rượu và mua rượu của trẻ dưới mười tám tuổi là không khả thi. Rất nhiều cha mẹ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi và một bộ phận ở thành phố vẫn cho rằng uống rượu là nam tính, uống rượu mới là người có phong thái. Thậm chí, nhiều gia đình, ngay từ nhỏ, khi thấy trẻ khóc đã cho các cháu bé một chút rượu, để các bé ngủ và không quấy phá nữa. Ở nhiều nước, việc mua bán rượu bia không hề dễ dàng, nhân viên phải kiểm tra chứng minh thư nhân dân, nếu người mua không đủ tuổi, họ có thể từ chối bán. Tại Mỹ, một số bang có quy định, khi có sự giám hộ của cha mẹ hoặc những người có đủ thẩm quyền trên 21 tuổi, thanh thiếu niên mới được phép uống một lượng rượu nhất định. Số ngày uống quy định cho người dưới 21 tuổi là 1 ngày/ tuần. Luật pháp làm như vậy, để hạn chế hậu quả có hại cho sức khỏe và cuộc sống của những người trẻ tuổi.
Ở Việt Nam, đã đến lúc pháp luật cần quyết liệt hơn khi thực hiện các biện pháp xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia của những người dưới tuổi vị thành niên. Nếu như ngay từ đầu đã xử phạt nghiêm hành vi buôn bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi và cả những phụ huynh dung túng cho con cái thì sẽ không còn hậu quả đáng tiếc như đánh nhau hay tai nạn giao thông... Ngoài ra, có thể siết mạnh về kinh tế như tăng giá thuế rượu, bia để hạn chế việc xử dụng chất có cồn với cả người lớn và trẻ nhỏ.
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã nhận định: “Đây là vấn đề nhức nhối nếu chúng ta không hành động và tiếp tục để hiện trạng pháp luật như hiện nay thì tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng và nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội tiếp tục tăng cao”…
Đã có ai bị phạt do bán rượu bia cho trẻ dưới 18 tuổi?
Tại Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Trong đó Điều 6 quy định hành vi nghiêm cấm “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em”.
Trong Khoản 2, 3 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia như sau: Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Nghị định 117 đã cụ thể hóa quy định trên bằng mức phạt cụ thể đối với hành vi mua rượu, bia của người chưa đủ 18 tuổi cũng như hành vi bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và được quy định lần đầu tiên trong Nghị định 40 về sản xuất, kinh doanh rượu. Sau đó, Nghị định 105 tiếp tục kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP và quy định việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.
Việc xử phạt khi vi phạm các điều luật trên cũng hướng đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và người bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi. Cha mẹ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia. Theo Điều 4/ Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì thực hiện việc bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (mức phạt đối với cá nhân), đối với tổ chức sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dan-nhau-tuoi-hoc-sinh-post451618.html