Dân nơm nớp dưới chân 'núi' bãi thải ở Thái Nguyên

Nhiều năm nay các hộ dân xóm Nam Tiền (Thái Nguyên) nằm sát chân bãi thải số 13 của mỏ than Khánh Hòa có đơn gửi đến các cơ quan hữu trách cầu cứu.

Ngập úng khiến xóm Nam Tiền như một ốc đảo. Người dân phải di chuyển bằng thuyền để ra ngoài lấy thực phẩm.

Ngập úng khiến xóm Nam Tiền như một ốc đảo. Người dân phải di chuyển bằng thuyền để ra ngoài lấy thực phẩm.

Nhiều năm nay hàng chục hộ dân tại xóm Nam Tiền luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị sạt lở vùi lấp nhà cửa, đe dọa tính mạng từ “núi” chất thải hình thành sau hoạt động khai thác mỏ. Người dân nơi đây mong muốn được chuyển đến nơi ở mới, tránh xa nguy hiểm rình rập cuộc sống của họ hàng ngày.

Sống mòn bên “núi” bãi thải

Nhiều năm nay hơn 10 hộ dân xóm Nam Tiền (xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên) nằm sát chân bãi thải số 13 của mỏ than Khánh Hòa (Công ty than Khánh Hòa) có đơn gửi đến các cơ quan hữu trách cầu cứu, mong muốn thoát khỏi tình cảnh ô nhiễm, nguy cơ sạt trượt từ bãi thải này.

Theo thông tin người dân xóm Nam Tiền cho biết, Công ty than Khánh Hòa khai thác, sản xuất 3 ca/ngày, sử dụng nhiều xe chuyên dụng cỡ lớn chạy liên tục lên bãi đổ thải gây bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khiến cho người dân xóm Nam Tiền năm nào cũng phải chạy lụt.

Ông Hoàng Vĩnh Vệ (45 tuổi, người dân xóm Nam Tiền) kể rằng, dù nằm gần thành phố Thái Nguyên nhưng xóm Nam Tiền trước kia rất yên bình, không khí trong lành và đặc biệt có nhiều người sống rất thọ. Không những vậy, thiên nhiên còn ưu đãi cho Nam Tiền một dòng suối có chiều dài khoảng 2km, trong xanh, người dân dùng làm nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, dòng suối gắn với cuộc sống của người dân Nam Tiền giờ chỉ còn trong hồi ức. Nguyên nhân là do từ khi bãi thải của Công ty Than Khánh Hòa được mở rộng về phía xóm Nam Tiền thì chất bẩn từ bãi thải ngấm xuống khiến dòng suối đổi màu.

Không chỉ riêng dòng suối, những giếng nước của người dân ở Nam Tiền đều bị ảnh hưởng khi có mùi hôi tanh. Để có thể sử dụng trong sinh hoạt, người dân phải tiến hành lọc qua máy nhưng chất lượng nguồn nước vẫn là một dấu hỏi.

Đưa tay chỉ khắp một lượt quanh nhà, ông Vệ chia sẻ rằng từ nhiều năm trở lại đây, gia đình ông không dám sắm sửa đồ điện tử vì biết rằng năm nào cũng sẽ bị nước ngập dẫn đến hư hỏng đồ đạc. Nguyên nhân được ông Vệ chỉ ra là do bãi thải chắn ngang khiến dòng suối phải chảy ngược về thượng lưu. Chênh lệch độ cao nên nước bị ứ đọng.

“Năm 2018, mưa to, nước ngập cao nhất đến ngang cửa cửa sổ, mọi đồ dùng sinh hoạt đều chìm trong nước. Lúc ấy, những con đường trong xóm đều bị ngập sâu, gia đình tôi chỉ có thể sang ở nhờ những gia đình ở nơi cao hơn chờ nước rút. Tôi sinh sống ở đây được hơn 40 năm nhưng chỉ khi xuất hiện bãi thải mới có hiện tượng đó”, ông Vệ chia sẻ.

Bãi thải của mỏ than Khánh Hòa sừng sững như một quả núi chắn trước nhà nhiều hộ dân tại xóm Nam Tiền.

Bãi thải của mỏ than Khánh Hòa sừng sững như một quả núi chắn trước nhà nhiều hộ dân tại xóm Nam Tiền.

Cần sớm có kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Căn nhà của gia đình bà Phạm Thị Kim (59 tuổi, trú tại xóm Nam Tiền) nằm ngay phía dưới, chỉ cách chân bãi thải của mỏ than Khánh Hòa ước chừng 50 mét. Bà Kim kể lại rằng, mỗi lần thức dậy lại thấy bãi thải cao hơn một chút là bà cảm thấy tính mạng của mình và những người thân lại thêm mong manh.

Dù có hướng chính nam, nhưng căn nhà của gia đình bà Kim luôn trong tình trạng nóng nực và chẳng mấy khi có cơn gió mát thổi vào do bãi thải của mỏ than Khánh Hòa cao hơn 100 mét, dài cả cây số ngự sừng sững trước mặt.

“Dù chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên vài cây số nhưng nơi đây sóng điện thoại cực kỳ yếu, lúc được, lúc không. Đơn cử như trong xóm có người bị thương cần gọi xe cấp cứu đưa đến viện cũng phải chạy ra khỏi khu vực che chắn của bãi thải mới gọi được”, bà Kim nói.

Ngoài những ảnh hưởng của khói bụi, theo bà Kim, những hộ dân ở xóm Nam Tiền còn liên tiếp bị tra tấn bởi những tiếng ồn phát ra từ xe tải hạng nặng chở thải hoạt động bất kể ngày đêm.

Hơn 2 năm trước, ngay trong đêm, bức xúc trước tình trạng này, người dân xóm Nam Tiền đã dựng rào chắn giữa đường ngăn cho các chở thải hoạt động vào ban đêm.

“Chúng tôi đều là những người lao động, cả ngày làm việc vất vả đến tối muốn về nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động nhưng xe tải lúc nào cũng hoạt động ầm ầm khiến không thể nào có thể ngủ được. Các cháu nhỏ trong thời gian ôn thi, học bài cũng không thể tập trung do những tiếng động mạnh”, bà Kim thông tin thêm.

Tảng đá lăn từ trên bãi thải xuống suýt gây bất an cho gia đình bà Phạm Thị Kim.

Tảng đá lăn từ trên bãi thải xuống suýt gây bất an cho gia đình bà Phạm Thị Kim.

Ngôi nhà của gia đình bà Phạm Thị Kim cách chân bãi thải chừng 50 mét.

Ngôi nhà của gia đình bà Phạm Thị Kim cách chân bãi thải chừng 50 mét.

Có thời điểm, nước ngập sâu ngang cửa sổ căn nhà của ông Hoàng Vĩnh Vệ.

Có thời điểm, nước ngập sâu ngang cửa sổ căn nhà của ông Hoàng Vĩnh Vệ.

Nhớ lại vụ sạt lở bãi thải tại mỏ than Phấn Mễ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) xảy ra hơn 10 năm trước khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều căn nhà bị vùi lấp, bà Kim đau đớn bảo rằng cuộc sống của bà cũng như những người dân ở Nam Tiền nhiều năm qua như “chỉ mành treo chuông”. “Giờ còn sống, còn nói chuyện được như thế này nhưng có thể chết bất cứ lúc nào”, bà Kim xúc động.

Chỉ tay vào tảng đá to nằm trước nhà, bà Kim nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm. Khi ấy là vào lúc nửa đêm, gia đình bà đang ngủ thì bất ngờ nghe thấy tiếng động cực mạnh ngay tại khu đất trước cửa nhà.

Do đã quen với những tiếng động bất thường nên vợ chồng bà không mảy may nghĩ ngợi gì. Sáng hôm sau, vợ chồng bà tá hỏa khi xuất hiện một tảng đá to nằm ở khu đất ngay trước cửa nhà. Tảng đá ấy đêm hôm trước đã lăn từ bãi thải xuống và nếu không được ngăn lại bởi một hố đất thì rất có thể tính mạng những người trong gia đình bà Kim đã bị đe dọa. Cũng kể từ đó, bất kể đêm hay ngày, mỗi khi có tiếng động mạnh, vợ chồng bà Kim lại lo ngay ngáy.

Theo một người dân ở xóm Nam Tiền, sau nhiều lần đàm phán, kiến nghị, những hộ dân ở đây đã thống nhất phương án đề xuất của Công ty than Khánh Hòa là nhận tiền trợ cấp để di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng đến giờ, phía công ty vẫn chưa chi trả để người dân đến nơi ở mới.

UBND xã Phúc Hà xác nhận những phản ánh của người dân sinh sống tại xóm Nam Tiền là có cơ sở. Cụ thể, từ khi mỏ than của Công ty than Khánh Hòa được mở rộng gây nên tình trạng ngập úng. Bãi thải của mỏ ở rất gần khu vực người dân sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

UBND xã Phúc Hà cũng đã có văn bản gửi UBND TP Thái Nguyên báo cáo tình hình và đề xuất sớm có chủ trương quy hoạch di dời các hộ dân tại xóm Nam Tiền ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.

Thái Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dan-nom-nop-duoi-chan-nui-bai-thai-o-thai-nguyen-post659512.html