Dân nơm nớp sống cạnh nhà máy vôi như 'lò nguyên tử' chỉ có vài bình cứu hỏa mi ni
Người dân sống gần Nhà máy sản xuất vôi hóa Hương Hải (xã Lê Lợi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đều lo ngại vì nhà máy trông như 'lò nguyên tử' mà chỉ có vài bình cứu hỏa mi ni … đã hết hạn, lại thường xuyên xả thải ô nhiễm ra môi trường.
Theo giấy chứng nhận đầu tư số 22.121.000.418 cấp ngày 09/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án đầu tư nhà máy sản xuất vôi hóa Hương Hải – Quảng Ninh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ông Bùi Tuấn Ngọc. Tổng diện tích xây dựng nhà máy là 122.995m2, công suất 980.000 tấn vôi/năm, tổng vốn đầu tư là 2.178.918 triệu đồng (Hai nghìn một trăm bảy mươi tám tỷ, chín trăm mười tám triệu đồng).
Vừa triển khai Dự án đã làm dân bức xúc
Theo báo cáo số 142 của UBND xã Lê Lợi ngày 20/5/2014, dự án nhà máy sản xuất vôi trong quá trình thi công đã gây sạt lở đất cát, ảnh hưởng đến lòng đập. Nhân dân thôn Yên Mỹ sử dụng nguồn nước trên để sản xuất rất bức xúc và có đơn kiến nghị. UBND xã tổ chức kiểm tra, kết luận: Diện tích đất thu hồi của dự án đã ảnh hưởng vào một phần cao trình lòng hồ đập Rộc Miễu.
Báo cáo của UBND xã cho biết, "diện tích đất lâm nghiệp thu hồi thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn của 02 chủ hộ Nguyễn Thị Dung và Đống Văn Hà sẽ làm cạn kiệt đến nguồn nước sinh thủy của đập. Mặt bằng của nhà máy cao hơn 15m so với lòng đập.
Trong quá trình thi công đã gây sạt lở, vùi lấp một số diện tích lòng hồ, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất. Sau mỗi cơn mưa đất đỏ trôi chảy đục ngầu lẫn đất, cát".
Vì vậy, để tránh tình trạng đơn thư khiếu kiện đông người, UBND xã đề nghị '"xem xét điều chỉnh quy hoạch dự án để bảo vệ an toàn đập Rộc Miễu và cung cấp nước phục vụ cho nhân dân".
Tại biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất nhà máy vôi Hương Hải của UBND xã Lê Lợi ngày 26/4/2016, tại hiện trường, Công ty đang san gạt mặt bằng, đã đổ đá nguyên liệu, vôi thải lên diện tích mặt bằng đang san, lắp đặt hệ thống trạm nghiền, sàng đá, phần diện tích trên nằm ngoài ranh giới quy hoạch đã được duyệt.
Ông Cường - Trưởng phòng dự án của Công ty cho biết, hiện tại Công ty đang có chủ trương xin mở rộng nhà máy, đơn vị có đổ một phần vôi thải để tạo mặt bằng. Việc tạo mặt bằng và lắp đặt hệ thống sàng nghiền nằm ngoài ranh giới, Công ty mới được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương.
Còn về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), tại biên bản kiểm tra hiện trường ngày 19/5/2017 do Phòng Tài nguyên& Môi trường (TNMT) chủ trì phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC số 3 đã đề nghị Công ty lập hồ sơ theo dõi an toàn PCCC theo thông tư số 66/2014/BCA, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án PCCC của cơ sở. Yêu cầu Công ty trang bị 16 bình chữa cháy tại khu vực văn phòng làm việc, tập thể, bếp ăn. Lập danh sách cử người tham gia huấn luyện để cấp chứng chỉ nghiệp vụ PCCC.
Tuy nhiên, đến nay, cả khu vực nhà máy rộng hàng nghìn m2 cũng chỉ có vài hộp cứu hỏa rỗng và vài họng nước cứu hỏa đã bị hoen rỉ.
Điều đáng nói là từ khi hoạt động (năm 2014), Dự án nhà máy vôi Hương Hải đã bị nhiều cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lập biên bản xử phạt hành chính các vi phạm về đất đai, môi trường, nhưng nhà máy vôi vẫn phớt lờ các chỉ đạo của các cơ quan chức năng, không khắc phục sai phạm.
Thừa nhận những sai phạm bị dân phản ánh
Trước việc phản ánh của người dân về việc nhà máy vôi Hương Hải thường xuyên xả thải ô nhiễm ra môi trường, thiếu các trang thiết bị, hệ thống PCCC, hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC, phóng viên đã có buổi làm việc tại nhà máy cùng lãnh đạo xã Lê Lợi và lãnh đạo nhà máy vôi Hương Hải.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo nhà máy vôi Hương Hải thừa nhận, việc đổ thải ra môi trường, không che đậy, nước thải bề mặt chảy xuống hồ Rộc Miễu, chưa lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động để truyền dữ liệu về sở TNMT lần nào, thiếu trang thiết bị PCCC và chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu PCCC.
Trước việc nhà máy vôi Hương Hải rộng hàng ngàn m2 giữa TP Hạ Long hoạt động gây ô nhiễm môi trường, thiếu trang thiết bị PCCC, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, coi thường pháp luật suốt bao năm, nhưng đến nay giải pháp được Chủ tịch xã Lê Lợi Hoàng Đức Tự đưa ra vẫn chỉ là "báo cáo cấp trên để lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện nhà máy vôi Hương Hải".
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin./.