Đan nón lá, cảm nhận văn hóa Tày ở Lâm Thượng
Ở bản Tông Pắng, xã Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai (trước đây là Yên Bái), chiếc nón lá không chỉ là vật dụng che nắng che mưa mà còn là một biểu tượng văn hóa lâu đời của người Tày. Vài năm trở lại đây, nghề làm nón truyền thống trở thành hoạt động trải nghiệm độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bà Hoàng Thị Huệ (bên trái) trò chuyện và hướng dẫn khách làm nón.
Bản Tông Pắng nằm giữa thung lũng Lâm Thượng, cách Hà Nội khoảng 250km, nằm trên cung đường thuận tiện di chuyển giữa hai điểm đến nổi tiếng là Sa Pa và Hà Giang. Du lịch Lâm Thượng đã và đang thu hút du khách yêu thiên nhiên và mong muốn tìm hiểu văn hóa các dân tộc miền núi phía bắc.
Đến đây, ngoài việc nghỉ dưỡng, tắm rừng, lội suối hay thưởng thức ẩm thực địa phương, rất nhiều du khách hứng thú và đánh giá cao trải nghiệm workshop làm nón lá thủ công với các nghệ nhân lành nghề trong bản.

Bà Huệ tranh thủ làm nón những lúc nông nhàn, vừa có thêm thu nhập, vừa tự hào giữ gìn nghề truyền thống.
Là một trong 3 nghệ nhân làm nón giỏi của bản Tông Pắng, bà Hoàng Thị Huệ cho biết từ bé đã được mẹ dạy cách đi rừng lấy cây giang, lấy lá cọ, rồi cách sơ chế nguyên liệu và các bước làm nón.
Chiếc nón nhẹ, bền, mát và tượng trưng cho sự khéo léo, duyên dáng của mỗi cô gái Tày. Nón theo chân họ gần như suốt cuộc đời, trong công việc đồng áng, đi chợ, đi hội, mọi công việc chăm sóc gia đình...

Cùng với trang phục dân tộc, chiếc nón lá cọ là nét đẹp đặc trưng trong đời sống người Tày.
Bà Huệ chia sẻ: "Chiếc nón trông đơn giản nhưng rất nhiều chi tiết, người làm cần kiên nhẫn và cẩn thận để nón được tròn trịa, bền chắc. Nếu làm tập trung, trong khoảng 3-4 tiếng sẽ đan xong được một chiếc, những mẫu cầu kỳ có thể phải lâu hơn".
Những cây giang được chẻ mỏng, vót nhẵn, đều tăm tắp để làm khung; lá cọ rửa sạch, hơ lửa, phơi khô, vuốt phẳng để đạt độ mềm, dai và màu trắng đều, đẹp. Chiếc nón hoàn thiện còn được tô điểm bằng quai thổ cẩm sặc sỡ, tôn lên khuôn mặt người dùng.

Đôi tay nghệ nhân thoăn thoắt như múa, tạo nên chiếc khung nón đều đặn, đẹp mắt.
Trải nghiệm làm nón lá tại bản Tông Pắng trở thành một điểm nhấn thu hút du khách. Họ không chỉ được tham quan, mà còn trực tiếp tham gia làm nón, lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn và mang sản phẩm về dùng, làm quà cho người thân.
Với nguyên vật liệu được nghệ nhân chuẩn bị sẵn, mỗi workshop làm nón có chi phí dễ chịu, chỉ vài trăm nghìn đồng tùy theo kích cỡ, độ dày của nan...

Chị Trần Phương Anh, du khách đến từ Hà Nội, hào hứng làm nón Tày và khẳng định sẽ giới thiệu đến bạn bè về du lịch bản Tày ở Lâm Thượng.
Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước, những chiếc còn nhận được sự yêu thích từ các đoàn khách quốc tế. Họ ấn tượng bởi sự kết hợp giữa yếu tố thẩm mỹ và công năng, cùng những câu chuyện văn hóa được truyền tải qua từng đường kim, mũi chỉ.
Dưới mái hiên nhà sàn truyền thống, chủ và khách rôm rả chuyện trò, tạo những cảm xúc đặc biệt trong hành trình du lịch. Bà Huệ rất chủ động và thân thiện, đã nhiều lần hướng dẫn khách ngoại quốc làm nón thành công.

Niềm vui của những vị khách nước ngoài sau khi tự tay làm nón.
Bà Huệ cũng nói thêm rằng trong các dịp lễ hội truyền thống, Tết, sự kiện văn hóa-du lịch... của địa phương, bà đều được đại diện bản đi thi làm nón. Nghề làm nón không chỉ giúp bà con giữ gìn bản sắc mà còn tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chiếc nón lá gắn bó hằng ngày với phụ nữ Tày ở Lâm Thượng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sự phát triển của khiến chiếc nón lá người Tày cũng được tiếp thêm sức sống, không chỉ tồn tại như một kỷ vật của truyền thống cộng đồng mà còn góp phần đưa tinh hoa văn hóa Tày đi xa hơn, lan tỏa tới mọi miền.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dan-non-la-cam-nhan-van-hoa-tay-o-lam-thuong-post890944.html