Tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em trong khuôn viên nhà văn hóa thôn
Mùa hè, nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh là tìm một sân chơi an toàn, bổ ích cho các em. Do vậy, việc bổ sung, hoàn thiện, duy trì các điểm vui chơi, thể dục, thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa các thôn, phố là việc cần thiết, bởi đó không chỉ là địa chỉ sinh hoạt cộng đồng, mà còn là không gian để các em nhỏ vui chơi trong dịp hè.

Trẻ em vui chơi trong khuôn viên Nhà văn hóa phố Phú Vinh Tây, thị trấn Bút Sơn (nay là xã Hoằng Hóa).
Như đã thành thói quen, cứ đến mỗi buổi chiều là đông đảo trẻ em và người dân Tổ dân phố (TDP) Phú Vinh Tây, thị trấn Bút Sơn (nay là xã Hoằng Hóa) lại tập trung ra nhà văn hóa của khu phố để vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao. Nhà văn hóa khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát có hồ nhỏ điều hòa không khí, lắp đặt lan can an toàn cùng với sân thể dục, sân bóng chuyền, xích đu và cả các dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao... TDP Phú Vinh Tây trước năm 2019 vốn thuộc xã Hoằng Vinh cũ, sau đó sáp nhập về thị trấn Bút Sơn và nay là xã Hoằng Hóa. Từ “làng lên phố”, năm 2022 TDP này được công nhận là TDP kiểu mẫu với diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đáng chú ý, thời điểm đó khi xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, người dân nơi đây rất chú trọng đến không gian vui chơi an toàn dành cho trẻ em.
Ông Hoàng Ngọc Hải, người dân TDP Phú Vinh Tây chia sẻ: Nhà văn hóa có khuôn viên rộng, lại giáp cánh đồng lúa nên rất mát mẻ vào mùa hè. Sau khi nhà văn hóa của phố được xây dựng khang trang, TDP tích cực huy động xã hội hóa từ Nhân dân để đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao phù hợp với các thành phần, lứa tuổi và được lắp đặt tại nhà văn hóa. Người dân cũng quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường, trồng thêm cây xanh bóng mát tạo không khí trong lành. Trong dịp hè, nhà văn hóa còn là địa điểm tập trung thường xuyên để các anh chị thanh niên tổ chức các buổi dạy hát, dạy múa cho các em nhỏ khi tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ của phố, của xã.
Ở nhiều địa phương, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các em trong dịp hè, các cấp bộ đoàn luôn quan tâm kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi cho trẻ em. Ở thôn Hữu Khánh, xã Hoằng Xuân (nay là xã Hoằng Giang), việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng khuôn viên xung quanh khu vực nhà văn hóa với các điểm vui chơi dành cho thanh, thiếu niên được quan tâm đặc biệt. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2021-2024, thôn đã xây dựng được 1 sân bóng đá, 2 sân bóng chuyền, 1 sân khấu ngoài trời và khu lắp đặt dụng cụ thể thao dành cho trẻ em, người lớn... với tổng kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng. Chị Lương Thị Phương, người nhiều năm gắn bó với phong trào đoàn và thanh, thiếu niên tại địa phương này cho hay, kinh phí thực hiện hoàn toàn bằng nguồn kêu gọi xã hội hóa từ phía các nhà hảo tâm, con em xa quê thành đạt hướng về quê hương, quan tâm đến các hoạt động phong trào dành cho thanh, thiếu niên. Đặc biệt, việc đầu tư các khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng các sân chơi dành cho trẻ em không chỉ là tạo không gian vận động, giải trí, mang lại niềm vui cho trẻ em và sự yên tâm cho người dân trên địa bàn. Những khu vực nhà văn hóa có khuôn viên rộng rãi thường sẽ trở thành địa điểm lý tưởng tổ chức các hoạt động cho thanh, thiếu niên trong dịp hè.
Mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để các em được tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhà văn hóa thôn với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi sẽ là địa điểm lý tưởng để các em được vui chơi an toàn, giao lưu bổ ích và phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, các nhà văn hóa được đầu tư khang trang, song việc khai thác, vận hành vẫn còn nhiều việc phải bàn. Ở nhiều nơi, nhà văn hóa chủ yếu dành cho các hoạt động hội họp, thiếu người tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao, vui chơi dành cho trẻ em. Nhiều nhà văn hóa thiếu khuôn viên, thiếu các trang thiết bị cần thiết để thu hút các hoạt động vui chơi. Bên cạnh đó, không ít nhà văn hóa sau khi được đầu tư các sân chơi ngoài trời với các thiết bị, dụng cụ thể thao dành cho trẻ em, song việc duy trì, bảo dưỡng lại ít được quan tâm nên thường bị xuống cấp nhanh, gây lãng phí hiệu quả đầu tư.
Từ thực tế này rất cần cách thức phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng, duy trì các thiết chế văn hóa, thể thao tại khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong đó có trẻ em.