Đàn ông không khóc và những hiểu lầm về nam tính
Những suy nghĩ như đàn ông không được khóc, nam giới phải cứng rắn đã tồn tại trong xã hội từ lâu, là gánh nặng tinh thần cho phái mạnh.
Renaissance Youth Leaders Forum (RYLF) là tổ chức xã hội - dân sự thuộc Đại học Silliman (Philippines), thường xuyên lên tiếng về các vấn đề gây chia rẽ xã hội, văn hóa, kinh tế - chính trị, đồng thời tạo nên sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Từ ngày 21/11, tổ chức này khởi xướng chiến dịch truyền thông xã hội chống lại "tính nam độc hại" (toxic masculinity), với các hashtag #FightTheStigma (tạm dịch: chống kỳ thị xã hội) và #UNMUTE.
"Cả phụ nữ và đàn ông đều bị ảnh hưởng bởi tính nam độc hại. Thực trạng này diễn ra mỗi ngày, cả trên mạng và ở đời sống thực", thông điệp của chiến dịch chỉ ra.
RYLF minh họa cho quan điểm của mình thông qua loạt các áp phích được thiết kế với thông điệp ấn tượng. "Đàn ông cũng khóc và như vậy chẳng sao cả", "Đàn ông có thể mặc màu hồng", "Anh chàng của bạn cũng có khi sợ hãi, và đó là chuyện bình thường" - những khẩu hiệu chống lại định kiến về tính nam độc hại nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Các bức ảnh chỉ ra những định kiến xã hội đang gây áp lực cho đàn ông, bóp méo mối quan hệ của họ với bản thân và thế giới xung quanh, như việc cho rằng đàn ông thì không khóc hay người nam tính thì không mặc đồ màu hồng.
Nói một cách dễ hiểu, "tính nam độc hại" là việc đàn ông kìm nén cảm xúc hay che đậy sự đau khổ. Họ duy trì vẻ ngoài cứng rắn và coi bạo lực là biểu hiện của uy quyền.
Những suy nghĩ ấy là kết quả của việc dạy con trai rằng chúng không thể công khai bộc lộ cảm xúc, nam giới phải luôn "cứng rắn", và bất cứ biểu hiện trái ngược nào cũng khiến chúng trở nên "nữ tính", yếu ớt.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), những bài học đó dẫn đến "sự hung hăng và bạo lực", khiến nam sinh nói riêng và nam giới nói chung có xu hướng “không tuân thủ kỷ luật học đường, chểnh mảng việc học" và có những hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm việc lạm dụng chất kích thích.
"Nam giới chiếm đa số trong các nhà tù, có nhiều khả năng phạm tội bạo lực hơn phụ nữ và có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm bạo lực cao nhất", APA viết.
Theo Ronald F. Levant, cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Mỹ, các tư tưởng về nam tính truyền thống có thể gây nên nhiều tác hại bao gồm bạo lực (gồm cả tấn công tình dục và bạo lực gia đình), lăng nhăng, các hành vi gây hấn hoặc vô trách nhiệm với xã hội như lạm dụng chất kích thích, rối loạn chức năng trong các mối quan hệ.
"Điều tồi tệ nhất chúng ta đã gây ra với đàn ông là khiến họ thấy rằng bản thân cần phải cứng rắn, nhưng bỏ mặc họ với tâm hồn rất mỏng manh", nữ nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie bày tỏ.
Áp lực xã hội, kỳ vọng từ gia đình, bạn bè và đối tác, thậm chí cả kỳ vọng về bản sắc tôn giáo có thể là gánh nặng đối với một người đàn ông đang tìm kiếm bản sắc nam tính của riêng mình.
Mặc dù một số nhóm xã hội, chính trị hoặc tôn giáo có thể cung cấp một bộ hướng dẫn cho một hình mẫu nam tính lành mạnh, các chuyên gia cho rằng tốt hơn hết mỗi cá nhân nên tuân theo định nghĩa "nam tính" của riêng họ, miễn là nó không gây hại cho bản thân hoặc người khác.
Điều này không có nghĩa là phải từ bỏ tất cả đặc điểm nam tính truyền thống. Chẳng hạn như sức mạnh và sự mạo hiểm, có thể giúp một số người khẳng định được sự nam tính.
Một định nghĩa mới về sự nam tính có thể bao gồm những trải nghiệm tổng thể, chẳng hạn như: trải nghiệm một cách cởi mở nhiều loại cảm xúc, sự phụ thuộc lẫn nhau, tính dễ bị tổn thương, sự hợp tác, lòng tốt, sự mềm mại.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ong-khong-khoc-va-nhung-hieu-lam-ve-nam-tinh-post1164536.html