Dân phải lội nước qua sông và những cái chết được báo trước ở sông Trà Khúc
'Mấy bữa nay bị cô lập, bắt buộc họ phải lội nước mà đi thôi', bà Ánh, thôn An Phú, nơi bị cô lập do nước sông dâng cao, nói sau vụ đuối nước thương tâm.
Vụ chết đuối vừa xảy ra sáng 6/11 trên sông Trà Khúc, đoạn qua thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi làm một người chết. Trước đó mấy ngày, cũng tại nơi này đã xảy ra vụ lật đò chở 5 người, tất cả thoát chết trong gang tấc, 1 người nhập viện cấp cứu.
Nạn nhân bị đuối nước ngày 6/11 là bà Bùi Thị Lan, 31 tuổi, trú thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi, nơi bị cô lập với đất liền cả tuần nay do nước sông Trà Khúc dâng cao. Nạn nhân là người câm điếc, hoàn cảnh khó khăn. Trong lúc cố vượt qua dòng nước xiết để đi chợ mua thực phẩm, bà Lan không may hụt chân, bị nước cuốn trôi.
Dù được bà con trong thôn cứu vớt nhưng dòng nước chảy xiết hút bà vào vùng xoáy khiến nạn nhân qua đời, để lại đứa con trai 7 tuổi và người cha già cũng bị câm điếc.
Ông Lê Văn Thịnh, hàng xóm của nạn nhân Bùi Thị Lan kể: "Hôm trước thì lật ghe, mới sáng nay có một người chết. Cảm thấy đau lòng thôi chứ biết sao được. Nếu thành phố, xã quan tâm sớm thì không có sự cố xảy ra".
Hơn một tuần nay, gần 400 hộ dân ở thôn Ân Phú và xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi lại bị cô lập do nước sông Trà Khúc dâng cao, cắt đường vào thôn. Mọi sinh hoạt, việc đi lại của người dân đều lệ thuộc vào chiếc đò nhỏ 15 CV.
Con đò này vừa bị chìm khiến việc đi lại của gần 2.000 người dân càng thêm khó khăn. Nhiều người tự thuê thuyền đi làm ăn, buôn bán, đưa con cái đi học, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Ánh, thôn Ân Phú đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ ghe đò cho dân đi lại: "Mấy bữa nay bị cô lập, bắt buộc họ phải lội nước mà đi thôi. Người ta lội qua bị chết, bây giờ mới có đò đi đó".
Ông Võ Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tịnh An cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn đuối nước, ngày 6/11, UBND thành phố Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí giúp xã thuê một chiếc đò ngang và bố trí người đưa đón bà con thôn Ân Phú qua lại miễn phí.
"Trong thời gian tới, nếu nước chảy xiết thì ghe, thuyền không thể đi lại được. Nếu mực nước ổn định, chúng tôi tiếp tục đưa ghe để đưa bà con qua lại và học sinh đi học. Giải pháp về lâu dài cần phải làm việc với thành phố hỗ trợ thế nào cho người dân. Còn về lâu dài nữa, khi đập dâng Trà Khúc xây dựng xong thì việc đi lại của bà con đỡ vất vả hơn", ông Khương nói.
Hình ảnh đoạn sông Trà Khúc hay xảy ra tai nạn: