Dân quân tự vệ góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc
Cách đây 85 năm, ngày 28-3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung Quốc), Đảng ta đã ra nghị quyết về Đội tự vệ. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Kể từ đó, ngày 28-3 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.
Nghị quyết về Đội tự vệ đã khẳng định: “Đội tự vệ càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Đây là một dấu ấn quan trọng mở ra một thời kỳ mới, là tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng. Nghị quyết về Đội tự vệ là khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng các hình thức đánh địch hết sức phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), hình thành thế trận chiến đấu, phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích… Những kinh nghiệm cực kỳ phong phú và sáng tạo trong xây dựng, hoạt động, chiến đấu của dân quân tự vệ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đúc kết, rút kinh nghiệm để kịp thời áp dụng trong nhiệm vụ củng cố quốc phòng hiện nay.
Từ khi cả nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng dân quân tự vệ đã làm nòng cốt cho nhân dân ở cơ sở khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực rà phá, bóc gỡ bom mìn, giúp nhân dân khôi phục sản xuất. Lực lượng dân quân tự vệ đã được huy động hàng triệu lượt người tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, phối hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, lực lượng dân quân tự vệ ra đời, chiến đấu và trưởng thành càng góp phần làm rạng ngời trong phong trào toàn dân đánh giặc của tỉnh nhà. Nhiều người không ngần ngại cống hiến cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như: Thiều Văn Chỏi, Phan Văn Hùng, Nguyễn Văn Bé, Huỳnh Văn Phú... làm rạng danh truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.
Dân quân tự vệ tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Phước Liêu
Hiện tại, lực lượng dân quân tự vệ của tỉnh đạt 1,45% so với dân số, có 23,47% là đảng viên và 71,28% là đoàn viên; 100% chi bộ quân sự có cấp ủy; đặc biệt là xây dựng được lực lượng dân quân biển. Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp thường xuyên chú trọng thực hiện tốt công tác huấn luyện đối với lực lượng dân quân tự vệ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này. Hàng năm, cơ quan quân sự các cấp xây dựng kế hoạch huấn luyện cho 100% đơn vị dân quân tự vệ; nội dung huấn luyện được tiến hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu, tổ chức biên chế, trang bị, nhiệm vụ của từng lực lượng, thực tế địa bàn, phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.
Thời gian qua, dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”. Từ đó, hoạt động của dân quân tự vệ ngày càng đi vào nề nếp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên và bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy trách nhiệm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc