Dân số cao tuổi chạm mốc cao kỷ lục, Nhật Bản 'toát mồ hôi' vì thiếu hụt lao động

Thống kê mới đây từ chính phủ Nhật Bản cho thấy dân số từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã đạt mức cao kỷ lục 36,25 triệu người. Số liệu này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và thiếu hụt lao động trầm trọng…

Nhật Bản đã tổ chức kỷ niệm "Ngày Tôn kính Người cao tuổi" vào đầu tuần này nhưng tâm điểm chú ý lại tập trung vào các dữ liệu thực tế cho thấy xứ sở mặt trời mọc đang ghi nhận số lượng người cao tuổi kỷ lục.

Theo số liệu được chính phủ nước này công bố mới đây, dân số Nhật Bản ở độ tuổi 65 trở lên đã tăng chạm mức cao nhất từ trước đến nay là 36,25 triệu người.

Trong khi dân số nói chung của Nhật Bản đang suy giảm, thì tỷ lệ người trên 65 tuổi đã chiếm 29,3% tổng dân số. Đây là mức cao nhất hiện nay trên thế giới, theo Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Trong một chia sẻ với CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley MUFG Securities, ông Robert Feldman cho biết con số này càng làm gia tăng mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và tình trạng thiếu hụt lao động ở quốc gia này.

Cuộc khảo sát từ Teikoku Databank vào tháng trước cũng chỉ ra rằng 51% doanh nghiệp tại Nhật Bản đều đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt lao động toàn thời gian, đặc biệt trong các ngành nghề lao động nặng và dịch vụ.

Trích dẫn số liệu từ Cục Thống kê, năm 2023 là năm thứ 20 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận số lượng lao động trên 65 tuổi tăng, đạt kỷ lục 9,14 triệu người. Và đến khi những nhân sự lớn tuổi này bắt đầu nghỉ hưu, Nhật Bản sẽ không có đủ số lượng lao động trẻ để thay thế họ.

Dựa trên các quan sát gần đây, tỷ lệ người cao tuổi ở Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 34,8% vào năm 2040 và lực lượng lao động ước tính giảm từ 69,3 triệu vào năm 2023 xuống còn 49,1 triệu vào năm 2050, phân tích từ Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia cho thấy.

Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã nhận thức được những tác hại kinh tế - xã hội phát sinh từ nguy cơ già hóa dân số và nỗ lực thực hiện hàng loạt cách thức để ứng phó. Cụ thể trong đó là các biện pháp nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh giảm, cung cấp thêm ngân sách cho việc nuôi dạy trẻ em và mở rộng cơ sở chăm sóc trẻ em. Chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida thậm chí còn công khai hỗ trợ các ứng dụng hẹn hò để khuyến khích người Nhật kết hôn và sinh con.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sinh sẽ chưa thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn. Trong những năm gần đây, Nhật Bản dần cởi mở hơn trong việc chào đón người nhập cư, với con số lao động nước ngoài tại đây đã chạm mức kỷ lục 2 triệu vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng thêm 800.000 lao động trong vòng 5 năm tới.

Nhấn mạnh về động thái này, chuyên gia Robert Feldman lưu ý rằng Nhật Bản sẽ cần phải thu hút thêm hàng chục triệu lao động nước ngoài với tốc độ gấp gáp hơn để có thể bù đắp cho những tổn thất về nhân khẩu học dự kiến trong vài thập kỷ.

Và để thúc đẩy tăng trưởng trong năng suất làm việc, sẽ cần tới một nguồn vốn lớn để hỗ trợ người lao động và áp dụng các công nghệ đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa trên toàn quốc. Hồi đầu năm nay, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại UBP, ông Carlos Casanova đã nói trên chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC rằng công nghệ AI thường được coi là giải pháp cho khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều tác động tích cực.

“Chúng ta có một xã hội ngày càng hướng về tiêu dùng, vì vậy bạn cần phải có một lực lượng lao động lớn để kiếm tiền và chi tiêu tiền nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế”, ông Casanova giải thích.

“AI có thể là một phần của giải pháp này, nhưng Nhật Bản còn cần phải làm những điều khác”, chuyên gia của UBP nhận xét và gợi ý thêm rằng ngoài việc thu hút nhập cư, Nhật Bản cũng nên tập trung vào những thay đổi xã hội và cơ cấu như tích cực khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Hạnh Chi

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/dan-so-cao-tuoi-cham-moc-cao-ky-luc-nhat-ban-toat-mo-hoi-vi-thieu-hut-lao-dong-post554728.html