Dân số già trước nguy cơ dịch Covid-19
Các thống kê cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc và chết do dịch Covid-19 vì họ mắc nhiều bệnh nền. Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già. Do vậy, trước nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, chúng ta cần phải có giải pháp nhằm phòng, chống dịch hiệu quả cho người cao tuổi.
Các thống kê cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc và chết do dịch Covid-19 vì họ mắc nhiều bệnh nền. Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già. Do vậy, trước nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, chúng ta cần phải có giải pháp nhằm phòng, chống dịch hiệu quả cho người cao tuổi.
Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số toàn cầu đang già hóa, dân số trên 65 tuổi tăng nhanh nhất trong tất cả các nhóm dân số. Năm 2019, cứ 11 người thì có một người trên 65 tuổi (chiếm 9%). Đến năm 2050, tỷ lệ này tăng lên, cứ sáu người thì có một người 65 tuổi (chiếm 16%). Hiện nay, dịch Covid-19 đang lan rộng ra hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tại châu Âu, I-ta-li-a có số người mắc đứng thứ hai và chết đứng đầu trên thế giới là do nước này có tỷ lệ dân số già cao nhất. Theo số liệu của Viện Y tế cao cấp (ISS) của I-ta-li-a, khoảng 62% số người bệnh mắc và chết vì Covid-19 là nam giới, phần lớn là người cao tuổi (trên 70 tuổi). Dịch Covid-19 tại I-ta-li-a sẽ phức tạp và khó kiểm soát hơn các quốc gia khác do tình trạng già hóa dân số. Hiện nước I-ta-li-a có khoảng 61 triệu dân thì có tới xấp xỉ 14 triệu là dân số già (65 tuổi trở lên).
GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, người tuổi càng cao (từ 70 trở lên) khi nhiễm bệnh, sức đề kháng thấp lại có nhiều bệnh nền nên tỷ lệ mắc và chết do Covid-19 sẽ cao. Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi trở lên là 7%. Tốc độ già hóa nhanh chóng, tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng đặt ra thách thức không nhỏ, nhất là các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa T.Ư, trung bình người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ở nước ta mắc 2,6 bệnh, riêng đối với người trên 80 tuổi là 6,8 bệnh. Khả năng chống đỡ với bệnh tật và thích nghi với môi trường của người cao tuổi ngày càng suy giảm; dễ mắc nhiều bệnh cùng lúc.
Khi bị nhiễm vi-rút, cơ thể không đủ sức chống đỡ lại; đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mãn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị hơn. Thực tế cho thấy, tại các nước có số người mắc và chết do Covid-19, chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo, việc cần làm là nâng cao sức khỏe, ý thức tự giác phòng bệnh trong mỗi người dân. Với người cao tuổi, phải kiểm soát sức khỏe tốt bằng thuốc, bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Khi có các triệu chứng bệnh, người cao tuổi phải đi khám ở cơ sở y tế để có biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời. Cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh. Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mãn tính, đồng thời tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng để giúp người cao tuổi được sống khỏe mạnh.
Trong khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình; luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay, nếu ra ngoài nhà.