Dân số Nhật Bản trong đà giảm
Bà Masako Mori - cố vấn về vấn đề dân số của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong một cuộc phỏng vấn đã thốt lên: Nhật Bản sẽ không tồn tại nếu không thể làm chậm lại đà giảm của tỷ lệ sinh, vốn đang đe dọa sự an toàn của cả xã hội.
Nếu cứ thế này, đất nước sẽ biến mất - bà Mori nói, trong bối cảnh số trẻ sơ sinh chào đời ở Nhật Bản năm 2022 rơi xuống con số thấp kỷ lục: 799.728 trẻ, lần đầu tiên dưới mốc 800.000 trẻ chào đời mỗi năm. Theo Bộ Y tế Nhật Bản hôm 12/3, con số này giảm gần một nửa so với 40 năm trước (Nhật Bản ghi nhận hơn 1,5 triệu trẻ ra đời vào năm 1982).
Trong khi đó, theo Hãng tin Bloomberg, dân số Nhật Bản giảm liên tục từ thập niên 1980 và đang đứng ở mốc 124,6 triệu người vào năm ngoái. Số người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 29% dân số.
Đảo ngược đà giảm dân số là việc cực kỳ khó khăn. Thủ tướng Kishida từng khẳng định Nhật Bản xem hỗ trợ sinh con là chính sách quan trọng hàng đầu và hứa hẹn tăng gấp đôi ngân sách cho các chương trình liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, chỉ tiền thôi chưa thể giải quyết vấn đề. Theo đài CNN, chi phí sinh hoạt ở Nhật rất cao, không gian sống và các hỗ trợ chăm sóc trẻ trong các thành phố bị hạn chế... khiến các cặp đôi ngại sinh con. Một vấn đề khác khiến phụ nữ ngại sinh con do gánh nặng nuôi dưỡng con cái quá lớn khiến họ khó trở lại làm việc sau khi sinh nở.
Cùng với những cảnh báo, bà Masako Mori còn cho rằng tình trạng các cặp đôi ngại sinh con đã khiến dân số Nhật Bản lao dốc. Bà Mori cũng cho rằng nỗ lực đảo ngược đà giảm sẽ vô cùng khó khăn do số phụ nữ ở độ tuổi sinh con giảm, chính phủ phải làm mọi cách có thể để làm chậm lại xu hướng lao dốc và giảm thiểu mức độ thiệt hại.
Ở một góc nhìn khác, giới nghiên cứu xã hội học Nhật bản cho rằng gần 50% số người độc thân muốn kết hôn nhưng lại không có cơ hội để tìm được bạn đời phù hợp. 61,4% người trong nhóm này cho biết họ không biết làm gì để thay đổi tình hình. Thiếu cơ hội gặp được đối tượng phù hợp hoặc không đủ nguồn lực tài chính, hoặc thiếu khả năng hòa hợp với người khác giới được coi là những nguyên nhân chính của hiện tượng xã hội đó.
Trước đó, một cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 4.000 đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi 20-40, được Văn phòng chính phủ Nhật Bản thực hiện, cho thấy 46,8% số người được hỏi cho biết họ không thể tìm được người bạn đời phù hợp dù muốn lập gia đình.
Mới đây, báo cáo của Cơ quan Thống kê Nhật Bản cho biết, phân bố dân số đã thay đổi khá nhiều từ năm 1950 đến nay bởi sự sụt giảm của cả tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử. Dự báo, tỷ lệ dân số già trong cơ cấu dân số nước này sẽ tăng lên 31,2% vào năm 2030, lên 35,4% vào năm 2040; 37,7% vào năm 2050 và 38,1% vào năm 2060.
Bà Motoko Rich - Trưởng văn phòng tờ The New York Times tại Tokyo, cho biết hiện ở Nhật Bản có tới 1/3 dân số trên 65 tuổi. Trong khi đó, con số này ở Mỹ chỉ vào khoảng 17%.
Tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm dần nhưng ly hôn lại có vẻ trái ngược. Tại Nhật Bản hiện nay hầu hết các vụ vợ chồng chia tay là ly hôn theo thỏa thuận. Theo điều 763 luật Dân sự Nhật Bản, hai vợ chồng có thể ly hôn dựa trên thỏa thuận, và 90% số vụ ly hôn ở Nhật Bản thuộc dạng này. Còn lại khoảng 9% là ly hôn hòa giải và 1% ly hôn theo tòa án. Trong vòng 10 năm qua, tính trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 vụ ly hôn.
Ca sĩ nhạc pop người Nhật, Silva, 43 tuổi, đã từng thực hiện hợp đồng trước khi kết hôn với người chồng hiện tại bằng văn bản được công chứng rõ ràng. Hợp đồng liệt kê 34 điều khoản, bao gồm việc Silva yêu cầu chồng không đi nhậu quá 2 lần mỗi tuần. Cùng đó là những thỏa thuận chia sẻ việc nhà, chăm con, thăm nom bố mẹ hai bên cũng như các quy tắc cấm ngoại tình và vay nợ. Ngoài ra, trong trường hợp ly hôn, Silva sẽ được bồi thường số tiền lớn. Cũng phải mất tới 18 tháng hợp đồng mới được ký. "Bởi mọi thứ không rõ ràng từ đầu trong cuộc hôn nhân trước của tôi, nên trong quá trình ly hôn chúng tôi đã cãi nhau liên miên" - Silva kể và cho rằng ràng buộc bằng hợp đồng trước khi tiến hành hôn lễ là cách xây dựng mối quan hệ an toàn.
"Bạn sẽ phải rất bạo gan mới dám phá vỡ hợp đồng này" - Silva nói. "Chúng tôi cùng nhau soạn ra nên không có tranh cãi về các điều khoản trong đó. Cả hai cùng có trách nhiệm và phải dành sự tôn trọng cho nhau".
Về việc này, bà Yuriko Tada - thành viên ban điều hành và công chứng công Prenup Kyokai cho biết, bà đã thực hiện hợp đồng trước hôn nhân cho 70 cặp vợ chồng. Theo bà, ngày càng tăng số người làm hợp đồng kiểu này, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 30 tới 40. Nói với Kyodo News, bà Tada cho biết, bằng cách đối diện với thực tế của đời sống hôn nhân, họ có thể tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn khi chính thức trở thành vợ chồng.
Theo số liệu mới công bố của Ủy ban Dân số Liên hợp quốc, dân số châu Á đang già đi nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác. Theo đó, trên phạm vi toàn cầu, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến tăng gấp đôi trong 3 thập niên tới, vào khoảng 1,6 tỷ vào năm 2050, trong đó châu Á đang dẫn đầu xu hướng này. Tờ The Wall Street Journal đánh giá xu hướng giảm dân số tại châu Á xuất hiện nhanh hơn so với dự đoán và có thể gây ra nhiều tác động phức tạp tới nền kinh tế châu lục. Nguyên nhân chính là do ngày càng nhiều người trẻ chọn trì hoãn việc lập gia đình hoặc từ bỏ hoàn toàn việc có con vì cho rằng chi phí nuôi con cao.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-so-nhat-ban-trong-da-giam-5712085.html