DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN: Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2022 đến nay, ngành Y tế Lâm Đồng triển khai Dự án 7 'Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN).

Cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông

Cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông

Dự án thực hiện tại 77 xã thuộc vùng đồng bào DTTS-MN theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021 – 2025. Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao, thể lực người DTTS. Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên vùng DTTS. Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS-MN. Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm: Các điểm tiêm chủng ngoại trạm tại tỉnh Lâm Đồng thực hiện tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa, đi lại đặc biệt khó khăn của 4 tiểu khu của huyện Đam Rông; 2 điểm tiêm của huyện Lâm Hà; 1 điểm của huyện Di Linh và 1 điểm của huyện Đạ Tẻh được tổ chức tiêm chủng theo đợt và tiêm chủng hàng tháng với sự tham gia của 2 - 3 cán bộ y tế của trạm, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số.

Kết quả trong năm 2024, ngành Y tế Lâm Đồng triển khai các hoạt động nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào DTTS-MN đã mở 6 lớp tập huấn cho 454 cộng tác viên dân số tại các xã vùng đồng bào DTTS-MN. Truyền thông, vận động thực hiện pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, giáo dục phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: Tổ chức các hoạt động tư vấn cho vị thành niên, thanh niên; cung cấp thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên; đưa các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào trong hoạt động của câu lạc bộ tiền hôn nhân tại cộng đồng; trong buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường phổ thông (THCS, THPT). Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã vùng DTTS-MN đạt 30% (kế hoạch 25%).

Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh tại các xã khu vực III thuộc vùng DTTS-MN đạt 25% (kế hoạch 25%). Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số. Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm là đạt 60,1% (kế hoạch 60%).

Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ. Chiến dịch phù hợp với vùng mức sinh được triển khai trong tình hình Lâm Đồng đã đạt mức sinh thay thế, việc triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ diễn ra thường xuyên tại hệ thống y tế cơ sở, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn duy trì ở mức 76%. Tùy vào đặc điểm tình hình từng huyện, thành phố mà mỗi địa phương lựa chọn phương thức triển khai chiến dịch phù hợp. Đối với địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 cao tiếp tục tập trung thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản KHHGĐ, cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Đối với địa phương có mức sinh thấp hoặc đã đạt mức sinh thay thế tiếp tục củng cố, duy trì mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ dân số - KHHGĐ tại các xã có triển khai chiến dịch đạt 60% (đạt kế hoạch đề ra)...

Dự án này đã phát huy hiệu quả tại huyện Đam Rông với các hoạt động tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Ngành Y tế huyện phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tuyên truyền về đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh tổ chức 161 buổi với hơn 2.000 lượt người tham gia. Có 847/1.293 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 65,5% (kế hoạch giao 55%); sàng lọc sơ sinh cho 518/826 trẻ đạt 62,7%. Tổ chức cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tuyên truyền, vận động được 3.829 người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 76,6%. Tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 8.309 cặp/11.253 phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng đạt 73,8% (chỉ tiêu năm giao 72%).

Trung tâm Y tế huyện Đam Rông đã tổ chức 94 buổi tuyên truyền cho 1.534 lượt người, cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể; tư vấn trực tiếp cho phụ nữ mang thai, sản phụ; cho nam, nữ thanh niên đăng ký kết hôn về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, tư vấn khám sức khỏe cho các cặp nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được 486/592 người đạt 82,1% (kế hoạch năm giao 80%). Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép nội dung về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các buổi sinh hoạt tổ, hội, câu lạc bộ, các buổi họp thôn được 83 buổi với 1.651 lượt người tham gia. Vận động 3.817 lượt người cao tuổi đến khám, theo dõi, tư vấn sức khỏe định kỳ tại các trạm y tế xã.

Bác sĩ Chuyên khoa I Cill Ha Bang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự đồng tình và hưởng ứng của quần chúng Nhân dân, vì vậy các nội dung chương trình mục tiêu, đề án về dân số được triển khai hiệu quả. Với dân số toàn huyện là 61.053 người, tổng số trẻ sinh ra 9 tháng đầu năm 2024 là 826 trẻ, giảm 49 trẻ so với cùng kỳ năm 2023; con thứ 3 trở lên chiếm 13,75% giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai đạt 73,8% tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023 và đạt chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2024. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tăng so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, các xã duy trì các mô hình như: Mô hình Không sinh con thứ 3 trở lên ở xã Đạ Long và Rô Men, Mô hình Đưa chính sách dân số vào quy ước thôn buôn ở xã Đạ Tông. Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả các dự án về dân số. Chỉ đạo cán bộ dân số tăng cường công tác tuyên truyền giúp đối tượng hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, chú trọng việc vận động đối tượng sử dụng dịch vụ KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao chất lượng dân số.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/dan-so-va-phat-trien-nang-cao-chat-luong-dan-so-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-74b2491/