Đan sợi lục bình: Thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ Đăng Hà

Trong những ngày này, nếu ai có dịp về thăm Đăng Hà đều thấy cảnh chị em ngồi từng nhóm 3 - 5 người quây quần đan sợi lục bình thay cho việc bóc vỏ hạt điều như trước đây. Có thể nói, nghề đan sợi lục bình đang đem lại niềm vui cho phụ nữ ở đây. Dù thu nhập ban đầu chưa cao do mới làm nhưng so với bóc vỏ lụa điều thì cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, ai cũng có thể tham gia từ các em bé cho đến người lớn tuổi.

Đăng Hà là xã vùng sâu của huyện Bù Đăng, với 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao từ phía Bắc di cư vào lập nghiệp mang theo nghề trồng lúa nước. Cùng với lợi thế nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa, từ lâu, trồng lúa nước đã trở thành kinh tế chủ lực của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, với tập quán canh tác truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nông dân Đăng Hà chỉ trồng từ 2 - 3 vụ lúa/năm với năng suất bình quân 4 - 6 tấn/ha và năm được mùa, năm mất. Cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất nên đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn.

Nhằm động viên, giúp đỡ chị em phụ nữ có thêm việc làm, tạo nguồn thu cho gia đình, Hội phụ nữ xã Đăng Hà nhận thấy việc đan sợi bèo lục bình phù hợp với nhiều chị em nhất là các phụ nữ lớn tuổi. Ban đầu có vài chị em tham gia nay đã lan rộng ra 6/6 thôn của xã đã góp phần đáng kể giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Gia đình và người thân chị Lộc Thị Viết (thứ 3, từ trái sang), thôn 3, xã Đăng Hà cùng đan sản phẩm sợi lục bình kiếm thêm thu nhập

Chị Lộc Thị Viết, hội viên Hội phụ nữ xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết: “Đời sống của một số hội viên khó khăn, không có công ăn việc làm, nhất là sau khi xuống giống lúa. Tình cờ được biết bên huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có xưởng đan sợi lục bình, tôi sang học việc và đứng ra liên hệ nhận hàng về cho chị em trong xã làm thêm nhằm tạo công ăn việc làm, giúp chị em có thêm thu nhập, ổn định đời sống”.

Để làm được sản phẩm, một người thợ lành nghề mỗi ngày có thể đan được từ 3 - 5 sản phẩm. Những người mới vào nghề mỗi ngày có thể đan từ 1 - 2 sản phẩm. Với mức thu nhập hiện nay khoảng 30 ngàn đồng/1 sản phẩm, so với bóc vỏ lụa hạt điều thì đan sợi lục bình mang lại nguồn thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó phù hợp với người lớn tuổi mắt kém không thể bóc vỏ lụa hạt điều.

Chị Liễu Thị Dung, thôn 5, xã Đăng Hà cho biết: “Bản thân lớn tuổi, mắt kém, trước đây có nhận bóc vỏ điều mỗi ngày chỉ thu được 20.000 đồng. Từ ngày Hội Phụ nữ xã khởi xướng mô hình này, tôi cũng học và thấy công việc rất đơn giản, phù hợp lứa tuổi của tôi. Hiện mỗi ngày chị làm được 2 sản phẩm. So với bóc vỏ điều thì đan lục bình dễ hơn, có thu nhập cao hơn. Nhất là trong gia đình ai cũng có thể tham gia, vừa có việc làm, vừa có điều kiện để gia đình quây quần vào mỗi tối hay lúc nông nhàn.”

Nghề đan sợi lục bình mang lại thu nhập cho phụ nữ xã Đăng Hà

Theo chị Đinh Thị Dâm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, ban đầu vận động chị em tham gia cũng rất khó khăn do một số chị em ngại làm không được. Nhưng được hướng dẫn tỉ mỉ nên mọi người nhận thấy công việc đơn giản và tham gia. Từ đó giúp các hội viên có thêm việc, tận dụng được thời gian nông nhàn, tạo thu nhập trong mùa dịch Covid-19. Sắp tới, Hội Phụ nữ xã sẽ thành lập hợp tác xã để làm cầu nối cho chị em hội viên nhằm giúp chị em có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Lê Hoàng

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dan-soi-luc-binh-them-co-hoi-viec-lam-cho-phu-nu-dang-ha-532513