Dân sống tạm bợ bên dự án tỉ đô ở Quảng Nam

Suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án tỉ USD khu nghỉ dưỡng Nam Hội An phải sống tạm bợ trong những căn nhà rệu rã, rách nát.

Hàng trăm hộ dân ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam thuộc diện thu hồi đất để thực hiện khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án được bồi thường, tái định cư (TĐC) bị nợ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Còn lại, hàng trăm hộ nằm trong vùng quy hoạch dự án thì nhà cửa đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, xây mới.

Những căn nhà chờ sập

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Thu (xã Duy Hải) được xây vào những năm 1990, qua ba thập niên nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gia đình nhiều lần làm đơn xin được sửa chữa hoặc di dời đến nơi ở mới nhưng bất thành. Bà Thu kể: “Khoảng 16 giờ ngày 7-9-2022, khi vừa đem đơn lên xã xin sửa nhà về thì căn nhà đổ sập. Gạch ngói, rui mè nằm la liệt, vương vãi khắp nền nhà khiến tôi hoảng loạn. Rất may, thời điểm căn nhà đổ sập không có ai ở bên trong nên không có thiệt hại về người”.

Vợ chồng ông Nguyễn Dai (xã Duy Hải) thừa kế căn nhà cũ của cha mẹ. Theo thời gian, các mảng tường xung quanh căn nhà chi chít vết nứt, ẩm mốc. Trời mưa, hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ phải chui vào căn phòng chừng 10 m2 còn lành lặn. “Mấy năm trước gia đình có xin xây dựng kiên cố một phần ngôi nhà để yên tâm mỗi mùa mưa bão nhưng không được. Giờ căn nhà xuống cấp, phần mái ngói rời rạc, trời mưa nước chảy khắp nhà, không còn chỗ nấp” - ông Dai nói.

Không chỉ sống khổ bên dự án, nhiều người dân đã nhận bồi thường, hoàn thành nghĩa vụ và chuyển đến xây nhà tại các khu TĐC thì đến nay vẫn chưa nhận được GCN.

Ông Huỳnh Công Chừng (xã Duy Hải) nói: “Năm 2019, gia đình tôi được cấp đất nhưng mãi đến năm 2020 mới được nhận tiền bồi thường. Sau khi trừ hơn 150 triệu đồng tiền đất TĐC, gia đình còn khoảng 800 triệu đồng để cất nhà mới. Tôi làm nhà thiếu tiền, muốn vay thêm một ít nhưng không có GCN để thế chấp. Đi đòi GCN thì họ nói khi nào có sẽ thông báo đến nhận. Tôi cũng không biết làm sao” - ông Chừng buồn rầu nói.

Căn nhà của gia đình ông Dai ẩm mốc, bê tông bong tróc. Ảnh: THANH NHẬT

Căn nhà của gia đình ông Dai ẩm mốc, bê tông bong tróc. Ảnh: THANH NHẬT

Hạ tầng giao thông trong các khu tái định cư chưa hoàn thiện. Ảnh: THANH NHẬT

Hạ tầng giao thông trong các khu tái định cư chưa hoàn thiện. Ảnh: THANH NHẬT

Các bên liên quan nói gì?

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư với tổng diện tích 985,5 ha. Tổng mức đầu tư được tuyên bố là 4 tỉ USD. Từ năm 2010 đến nay, dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 50% diện tích.

Theo UBND xã Duy Hải, xã có khoảng 200 hộ nằm trong phạm vi dự án thuộc thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây. Trong đó, số hộ có nhà xây dựng trước năm 2000 chiếm hơn 50%, nguy cấp hơn là 123 nhà có nguy cơ sập đổ.

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, cho biết các hộ dân đều mong muốn sớm được bố trí TĐC, ổn định đời sống. “Nếu không giải quyết kịp thời sẽ là thiếu sót rất lớn trong việc thực hiện chính sách an sinh, an dân, có nguy cơ dẫn đến tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp, hình thành “điểm nóng” về an ninh nông thôn trên địa bàn” - ông Thống lo lắng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Bửu, Phó Tổng giám đốc Công ty CPĐT&PT Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các khu TĐC), cho biết dịch COVID-19 bùng phát nên chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Nam Hội An không tạm ứng cho cơ quan bồi thường, bên cạnh đó quỹ đất TĐC chưa có và một số hộ dân đang xảy ra tranh chấp.

“Trước năm 2020, dòng tài chính đảm bảo, còn sau này do dịch COVID-19 bùng phát nên dòng tài chính trì trệ, không đáp ứng được. Thậm chí, nhiều trường hợp được phê duyệt phương án bồi thường đã lâu nhưng đến nay chưa chi trả” - ông Bửu lý giải.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, thông tin hiện nay vẫn còn 254 hộ thuộc diện TĐC chưa nhận được GCN, hầu hết được TĐC từ năm 2019. Quá trình triển khai các dự án bị vướng các quy định của luật dẫn đến kéo dài, công ty này đang tổng hợp hồ sơ trình Sở TN&MT để được cấp GCN.

“Quyền lợi của người dân nhiều năm vẫn chưa được giải quyết tạo tâm lý bức xúc. Người dân nhiều lần kiến nghị, huyện cũng đã kiến nghị tỉnh và tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa thể giải quyết rốt ráo” - ông Đức nói.•

Dừng cấp GCN vì Bộ Tài chính “tuýt còi”

Ông Cao Ngọc Tích, Tổng giám đốc Công ty CPĐT&PT Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, cho hay theo thủ tục công ty sẽ trả tiền đất bồi thường cho người dân và người dân tự nộp cho Nhà nước để được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, nhu cầu bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án lớn, kinh phí đầu tư cao, nếu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ gây áp lực cho địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.

“UBND tỉnh đã giao cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An tự bỏ vốn để thực hiện các khu TĐC. Vốn đầu tư các khu TĐC này được hoàn trả cho nhà đầu tư bằng tiền sử dụng đất giữ lại của các hộ dân được bố trí TĐC theo giá đất TĐC được UBND tỉnh phê duyệt, không tính lãi vay đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư. Tất cả được thực hiện theo nội dung đã được UBND tỉnh thống nhất bằng văn bản” - ông Tích nói.

Theo ông Tích, trong khoảng 800 hộ TĐC đã có 567 hộ dân được cấp gcn. Trước đây, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định 1284 cho phép công ty lập thủ tục ghi thu, ghi chi để đề nghị cấp sổ đỏ cho người dân. “Đến khi Bộ Tài chính tuýt còi cho rằng Quảng Nam làm thủ tục ghi thu, ghi chi đối với các khu TĐC là không được thì việc cấp GCN phải dừng lại. Mặc dù Bộ Tài chính tuýt còi nhưng Quyết định 1284 vẫn là một cơ chế của Nhà nước, do có sự thay đổi nên hơn 200 hộ dân vẫn chưa nhận được GCN” - ông Tích giải thích.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/dan-song-tam-bo-ben-du-an-ti-do-o-quang-nam-post715659.html