Dán tem đào trồng, nông dân vui như Tết

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến rất gần, thị trường đào tết đang dần sôi động. Đào trồng bắt đầu được bà con mang ra bày bán tại các điểm dọc theo quốc lộ 6, như: Km 82 Mộc Châu, dốc Chiềng Đi, ngã 3 Vân Hồ, Pa Kha… Khác với mọi năm, đào trồng năm nay được dán tem để phân biệt với đào rừng.

Cán bộ xã Lóng Luông (Vân Hồ) phát tem cho người trồng đào.

Cán bộ xã Lóng Luông (Vân Hồ) phát tem cho người trồng đào.

Tại ngã 3 rẽ vào huyện Vân Hồ, rất nhiều những cành đào, cây đào được người dân đem ra bày bán; đào ở đây hầu hết là của bà con người dân đến từ các xã Vân Hồ, Lóng Luông với những cành đào, cây đào đủ loại, nhiều thế đẹp, cầu kỳ để người mua lựa chọn. Vừa lựa chọn cành đào đem về Hà Nội chơi Tết, anh Nguyễn Văn Hải, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chia sẻ: Nhân ngày nghỉ cuối tuần, gia đình tôi lên Vân Hồ, Mộc Châu tham quan các điểm du lịch và sắm cành đào để về chơi Tết. Tôi rất đồng tình với việc dán tem để tránh việc chặt phá, khai thác đào rừng tràn lan. So với những năm trước, giá cành đào ở Vân Hồ có tăng, nhưng lại có nhiều cành đẹp, rất nhiều hoa và nụ để lựa chọn.

Anh Vàng A Cô, ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ (Vân Hồ) một chủ vườn đào vui mừng cho hay: Nhà tôi có 1 ha đất nương trồng đào, năm nào cũng được khai thác từ 500 - 700 cành. Khi có thông tin cấm chặt, buôn bán đào rừng, gia đình rất lo lắng; nhưng khi được cán bộ xã, bản cấp phát tem chứng nhận để dán lên cành đào, gia đình tôi yên tâm khai thác. Những cành có thế đẹp, nhiều nụ sắp nở hoa có giá bán từ 3-5 triệu đồng, so với năm ngoái thì giá có tăng vài trăm đến 1 triệu đồng/cành. Những cây nở hoa muộn thì để phục vụ khách du lịch đến ngắm, chụp ảnh, đến khi có quả thì hái bán cũng được tiền. Tôi thấy việc trồng đào có lợi hơn nhiều so với trồng ngô, sắn; tính mỗi năm thu nhập cũng được vài trăm triệu đồng.

Người dân xã Lóng Luông thực hiện dán tem vào cành đào trước khi đem bán.

Người dân xã Lóng Luông thực hiện dán tem vào cành đào trước khi đem bán.

Thực tế hiện nay, hầu hết cây đào bán ra thị trường Tết đều do người dân trồng trên các nương, đồi của gia đình. Những năm gần đây, nhiều xã đã vận động, khuyến khích người dân trồng rất nhiều đào, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Theo ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ: Riêng năm 2020, trên địa bàn xã Vân Hồ trồng mới được hơn 20 ha, nâng diện tích đào trồng của xã lên trên 200 ha. Chính quyền xã đã phối hợp với UBND huyện Vân Hồ phát hành bộ tem "Hoa đào Vân Hồ" để cung cấp cho người dân để dán tem lên cành đào, xác minh nguồn gốc đào trồng tại huyện Vân Hồ, không phải đào rừng.

Trên địa bàn huyện Vân Hồ có khoảng 1.000 ha đất trồng cây đào, tập trung nhiều tại xã Vân Hồ và Lóng Luông (Vân Hồ trên 200 ha, Lóng Luông hơn 300 ha). Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ thông tin: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thương lái khai thác, mua bán, kinh doanh cành, cây đào trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, UBND huyện Vân Hồ đã phát hành và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem dán vừa để quảng bá, đồng thời xác nhận nguồn gốc xuất xứ của cây đào trồng trên địa bàn huyện, với số lượng 10.000 bộ tem “Hoa đào Vân Hồ”. Hai mẫu tem phát hành đều có chữ ký của cơ quan chuyên môn xác nhận là cành, cây đào trồng trên địa bàn huyện Vân Hồ khi lưu hành. Ngoài việc cấp tem cho các hộ dân trồng đào, các thương lái khi đến mua đào tập tập trung với số lượng lớn sẽ được địa phương cấp giấy xác nhận về việc mua đào ở đâu, mua tại hộ gia đình nào, số lượng bao nhiêu… để chứng minh nguồn gốc đào xuất phát từ địa phương, qua đó, đảm bảo cho việc lưu thông thuận tiện.

Người dân tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) đem cành đào đi bán.

Người dân tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) đem cành đào đi bán.

Qua tìm hiểu được biết thêm, huyện Mộc Châu cũng đã phát hành 97.000 bộ tem cấp miễn phí cho các hộ dân thuộc 10 xã, thị trấn để truy xuất nguồn gốc cây đào, tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Anh Hàng A Hải, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho hay: Gia đình tôi có gần 200 cây đào đã được trồng từ nhiều năm nay, là nguồn thu nhập chính cho gia đình, nhất là bán cành có tiền sắm Tết sung túc hơn. Gia đình tôi được chính quyền địa phương cấp cho tem dán cành đào trồng nên người mua yên tâm vận chuyển đi nơi khác. Giá cả tăng một chút so với năm ngoái, nhưng vẫn tiêu thụ hết.

Người dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu mang cành đào đi bán.

Người dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu mang cành đào đi bán.

Với việc dán tem, những cành đào phai không những mang theo niềm vui của người trồng đào và thương lái theo những chiếc xe về các tỉnh miền xuôi mà còn nâng cao ý thức bảo vệ và quản lý tốt hơn thực vật rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan đặc trưng bản làng miền núi. Mặt khác, còn khuyến khích việc trồng đào, cũng như quảng bá đào trồng Sơn La mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân vùng cao trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dan-tem-dao-trong-nong-dan-vui-nhu-tet-36998