Dân Thái Lan chuyển sang ăn thịt cá sấu vì thịt heo đắt đỏ
Giá thịt heo ở Thái Lan tăng vọt do nguồn cung thiếu hụt, buộc người dân chuyển sang ăn thịt cá sấu và điều này đang được giới chức trách khuyến khích. Thịt heo khan hiếm được cho là do bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đặt ra các giả thiết khác bao gồm tình trạng đầu cơ tích trữ thịt heo.
Thịt cá sấu nướng được bày bán ở một khu chợ tại Bangok. Gần đây, nhiều người dân chuyển sang ăn thịt cá sấu vì thịt heo đắt đỏ. Ảnh: Reuters
Thịt cá sấu đắt khách nhờ rẻ hơn thịt heo
Giá thịt heo ở Thái Lan bất ngờ tăng mạnh trong những tuần gần đây, với giá bán lẻ ở một số nơi lên mức gần 250 baht (171.000 đồng VN)/kg, tăng gần gấp đôi so với mức giá bình thường, 150 baht/kg. Đàn heo ở Thái Lan suy giảm mạnh trong năm qua do các hạn chế đi lại và ăn uống ở nhà hàng để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng như do thức ăn chăn nuôi tăng giá. Đàn heo suy giảm cũng có thể là do dịch tả heo châu Phi đã âm thầm lây lan từ lâu nhưng chính phủ Thái Lan phủ nhận thông tin này.
Nhiều người dân Thái Lan bắt đầu chuyển sang ăn thịt cá sấu để thay thế cho thịt heo đắt đỏ. Hiện nay, số lượng cá sấu bán ra mỗi tháng ở Thái Lan khoảng 20.000 con, tăng gấp đôi so với trước, theo ông Yosapong Temsiripong, Chủ tịch Hiệp hội nông dân nuôi cá sấu Thái Lan.
Wichai Roongtaweechai, chủ một trang trại nuôi cá sấu rộng 3 hecta với 10.000 con cá sấu ở tỉnh Nakhon Pathom, cho biết: “Nhiều nhà cung cấp thực phẩm và chủ nhà hàng đã đến gặp tôi để hỏi mua thịt cá sấu”.
Ông phải kêu gọi các nông dân khác cung cấp thêm thịt cá sấu vì một mình ông không đáp ứng kịp nhu cầu tăng đốt biến.
Cho đến gần đây, Roongtaweechai chủ yếu bán da cá sấu cho ngành công nghiệp thời trang và thịt cá sấu xuất khẩu cho các nhà hàng ở nước ngoài bao gồm ở Trung Quốc, chuyên phục vụ các loại thịt lạ.
Nhưng trong vài tuần qua, doanh số bán thịt cá sấu từ trang trại của ông đã tăng lên hơn 100 kg mỗi ngày, từ mức chỉ khoảng 20 kg/ngày. Ông cho biết mỗi con cá sấu có thể cung cấp 50 kg thịt. Khách hàng mới đến gặp ông gần như mỗi ngày, bao gồm một chủ nhà hàng ở Bangkok muốn sử dụng thịt cá sấu để thay thế cho thịt heo trong các món ăn.
Roongtaweechai cho biết dù nhu cầu thịt cá sấu đang tăng nhưng ông không dám mở rộng trang trại. Ông giải thích: “Chúng tôi cần nuôi chúng trong khoảng 3-4 năm trước khi bán. Tôi cần phải suy nghĩ kỹ nếu muốn mở rộng vì không chắc liệu khẩu vị của người Thái có thay đổi lâu dài hay không”.
Suwannachai Wattanayingcharoenchai, Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho biết Bộ Y tế ủng hộ người dân chuyển sang sử dụng thịt cá sấu thay cho thịt heo. Ông lưu ý thịt cá sấu chứa nhiều protein nhưng cần phải được nấu chín đúng cách để tránh nhiễm khuẩn. Dù được nuôi trong các trang trại không có hóa chất, nhưng thịt cá sấu có thể chứa vi khuẩn như salmonella, gây ra các bất thường ở đường hệ tiêu hóa. Theo tiến sĩ Saipin Chotivichien, Cục trưởng Cục Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế Thái Lan, 100 g thịt cá sấu chứa 99 kcal, 2,9 g chất béo và 21,5 g protein.
Nghi vấn che dấu dịch tả heo châu Phi
Thái Lan chứng kiến nguồn cung thịt heo thiếu hụt từ giữa năm 2021. Ít nhất 159.000 con heo từ các trang trai đã bị tiêu hủy trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10-2021 để phòng ngừa dịch tả heo châu Phi và các dịch bệnh khác.
Ông Cholnan Srikaew, lãnh đạo đảng đối lập Pheu Thai, nói rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc giá thịt heo leo thang vì không thừa nhận và kiểm soát đà lây lan của dịch tả heo châu Phi được cho là đã xuất hiện ở Thái Lan từ lâu. Hôm 12-1, đảng này cho biết sẽ nộp bằng chứng về việc che đậy dịch tả heo châu Phi ra Ủy ban chống tham nhũng quốc gia để yêu cầu mở cuộc điều tra.
Trước sức ép của phe đối lập và dư luận, giới chức trách đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm từ 10 trang trại heo và hai lò mổ. Hôm 12-1, Cục Phát triển chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan thông báo phát hiện một trường hợp nhiễm virus dịch tả heo châu Phi từ một lò mổ ở tỉnh Nakhon Pathom gần Bangkok. Bán kính 5 km xung quanh lò mổ đã được công bố là vùng bùng phát dịch bệnh. Đây là sự xác nhận chính thức đầu tiên về sự hiện diện của bệnh dịch tả heo châu Phi tại Thái Lan.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan vẫn không xem dịch tả heo châu Phi là nguyên nhân chính cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt heo.
Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-cha, nói: “Xin hiểu rằng đợt bùng phát dịch tả heo hiện nay chỉ xảy ở một vài khu vực, không phải trên toàn quốc, và số lượng heo chết thậm chí chưa đến 20% tổng đàn heo ở nơi có dịch. Vậy tại sao lại có sự thiếu hụt? Một điều gì đó chắc chắn đã xảy ra và một số người có thể can thiệp vào quá trình này”.
Ông cho biết chính phủ sẽ cho phép nhập khẩu thịt heo nếu cần thiết nhưng lưu ý cần phải kiểm tra xem nguồn cung thiếu hụt như thế nào trước khi ra quyết định.
Cuối tuần qua, trong cuộc đột kích kiểm tra hai kho lạnh ở tỉnh Songkhla và tỉnh Chanthaburi, cảnh sát đã phát hiện mỗi nơi tích trữ 200 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc. Một kho lạnh khác ở gần Bangkok cũng được phát hiện tích trữ hơn 5 tấn thịt heo.
Cuộc đột kích là là nỗ lực chấn chính tình trạng đầu cơ tích trữ thịt heo, được chính phủ Thái Lan xem là một phần nguyên nhân khiến nguồn cung thịt heo thiếu hụt.
Bên cạnh đó, giới chức trách đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm hạ nhiệt giá thịt heo gồm cấm xuất khẩu heo, giới hạn giá bán nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho nông dân.
Tình trạng thiếu hụt thịt heo, món ăn thiết yếu trong khẩu phần hàng ngày ở Thái Lan, dự kiến còn kéo dài nhiều tháng. Sorravis Thaneto, Cục trưởng Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan, nói ông hy vọng sẽ kiểm soát dịch tả heo châu Phi trong vòng 8 đến 12 tháng.
Theo Nikkei Asian Review, Bangkok Post
Khánh Lan