Dấn thân bảo vệ môi trường

Thế hệ Y (là thế hệ sinh năm 1981-1996) lớn lên trong giai đoạn đất nước hội nhập, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, được tiếp cận nhiều kiến thức tiên tiến. Song, đây cũng là giai đoạn có nhiều thách thức cần giải quyết, trong đó có vấn đề về môi trường. Có tri thức, có cơ hội, những tiến sĩ trẻ thế hệ Y không ngừng nghiên cứu với kỳ vọng tìm giải pháp bảo vệ môi trường.

TS Dương Thị Thùy Vân và robot xịt khuẩn phục vụ trong khu cách ly tại TPHCM

TS Dương Thị Thùy Vân và robot xịt khuẩn phục vụ trong khu cách ly tại TPHCM

Giải pháp chủ động kiểm soát nguồn nước mặt

PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Phó trưởng Khoa Môi trường (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học trẻ của TPHCM với nhiều công trình nghiên cứu về môi trường, nhất là về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. PGS.TS Đào Nguyên Khôi và nhóm nghiên cứu đã thực hiện công trình nghiên cứu “Phát triển mô hình mô phỏng dòng chảy và chất lượng nước mặt dựa vào các thuật toán trí tuệ nhân tạo”. Nghiên cứu đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhằm cung cấp cho TPHCM công cụ mô phỏng diễn biến chất lượng nước trên hệ thống sông Đồng Nai - sông Sài Gòn phục vụ công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm nước mặt cho thành phố.

Ngoài ra, PGS.TS Đào Nguyên Khôi còn có các công trình nghiên cứu như: “Đánh giá tính bất định trong mô phỏng dòng chảy và chất lượng nước dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - trường hợp nghiên cứu cho lưu vực sông Đồng Nai”; “Xây dựng khung mô hình tích hợp đánh giá tài nguyên nước mặt dựa trên phương pháp tiếp cận mối liên kết nước - năng lượng - lương thực”... Những công trình trên góp phần phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý bền vững tài nguyên nước của TPHCM.

Cũng trăn trở với vấn đề môi trường, TS Dương Thị Thùy Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã đưa ra hàng loạt giải pháp để hạn chế thấp nhất cảnh công nhân vệ sinh môi trường phải trầm mình xuống những hố ga để xử lý tình trạng nghẹt cống, khơi thông dòng chảy. TS Thùy Vân tâm sự, TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh, cần sử dụng những công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Và một đô thị thông minh không nên tồn tại hình ảnh công nhân trầm mình dưới cống để vớt rác.

Với vai trò một nhà nghiên cứu khoa học và là một giảng viên, ngoài cống hiến trí tuệ của mình để phục vụ sự phát triển của thành phố, PGS.TS Đào Nguyên Khôi và TS Dương Thị Thùy Vân còn nỗ lực lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học đến các thế hệ học trò. Bởi họ tâm niệm, thêm 1 người nghiên cứu về môi trường nghĩa là môi trường sẽ có thêm một người đứng ra bảo vệ, thêm một cơ hội để người dân được sống trong môi trường trong lành.

Từ nghiên cứu của mình, TS Dương Thị Thùy Vân đưa ra 2 giai đoạn để xử lý tình trạng trên. Giai đoạn 1 là tiền xử lý, nhằm ngăn chặn rác tại các miệng thu nước và sử dụng cảm biến để theo dõi mức độ tập trung rác tại các miệng thu nước. Sau đó, khi có rác ở miệng cống, cảm biến sẽ chủ động báo chính xác vị trí, mức độ rác nhiều hay ít để công nhân đến xử lý. Qua đó ngăn chặn tình trạng rác rơi xuống cống thoát nước... TS Thùy Vân còn được biết đến là trưởng nhóm nghiên cứu robot xịt khuẩn đầu tiên được sử dụng ở các khu cách ly tại TPHCM, trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Không cho phép mình đứng ngoài cuộc

Nhớ lại biểu cảm vui mừng trên gương mặt những người làm nhiệm vụ tại các khu cách ly khi nhận robot khử khuẩn khi dịch Covid-19 mới bùng phát, TS Dương Thị Thùy Vân cho biết đó là món quà của 10 ngày cả nhóm nỗ lực ngày đêm vừa nghiên cứu, vừa thi công trong điều kiện rất khó khăn - khi cả nước phải giãn cách xã hội. TS Dương Thị Thùy Vân kể, phương tiện truyền thông phát đi những hình ảnh ở khu cách ly, các chiến sĩ quân đội phải đeo bình xịt khuẩn, xông vào những nơi biết chắc là nguy hiểm và có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Trong khi đó, lãnh đạo nhà trường cũng đặt câu hỏi về vai trò của Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng trong “trận chiến” chung của người dân thành phố. Trước câu hỏi đó, bằng mọi cách, các nhà nghiên cứu khoa học của trung tâm đã đi tìm câu trả lời. Đến nay, robot vẫn túc trực làm nhiệm vụ ở các khu cách ly.

TS Dương Thị Thùy Vân là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam nhận bằng sáng chế của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Có nhiều cơ hội nghiên cứu ở nước ngoài nhưng TS Dương Thị Thùy Vân luôn trăn trở với những vấn đề liên quan trực tiếp đến TPHCM và các tỉnh thành lân cận nên đã chọn hướng ở lại. TS Dương Thị Thùy Vân chia sẻ: “Làm khoa học là tìm lời giải cho các thực trạng của xã hội, vì vậy chúng tôi nhìn đâu cũng ra vấn đề. Đất nước ta đang hội nhập và phát triển, rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Riêng ở TPHCM, với quyết tâm xây dựng đô thị thông minh thì không phải một hoặc một nhóm nhà khoa học có thể giải quyết được tất cả vấn đề của TP, mà cần nhiều nhà khoa học cùng chung tay với những góc nhìn và phần việc riêng. Với vai trò là một nhà khoa học, tôi không cho phép mình đứng ngoài cuộc”.

Ngoài những nghiên cứu phục vụ môi trường, TS Dương Thị Thùy Vân cũng đang nghiên cứu những thiết bị giúp kiểm soát tình trạng cây xanh trên địa bàn TPHCM; công trình phần mềm dữ liệu nhằm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư…

PGS.TS Đào Nguyên Khôi có 3 năm làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, song anh không chọn lối đi đầy hứa hẹn ở đất nước Mặt trời mọc mà chọn trở về. PGS.TS Đào Nguyên Khôi cho biết anh trở về là để được cống hiến cho TPHCM, cho đất nước và có cơ hội chứng tỏ bản thân. Anh nhận định, đất nước đang phát triển sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết, sẽ có nhiều “đất” để những người nghiên cứu khoa học, nhất là người trẻ có nơi “dụng võ”.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dan-than-bao-ve-moi-truong-714356.html