Dân than khó mua vàng và câu chuyện vàng 'hai giá'
Việc khó khăn trong mua vàng khiến nhiều người phải tìm các kênh trao đổi, mua bán tự do với giá chênh lệch so với giá mua tại các ngân hàng và doanh nghiệp.
Xuất hiện tình trạng vàng “hai giá”
Khảo sát một loạt cửa hàng vàng tại Hà Nội cho thấy, tình trạng chung là việc mua bán vàng tương đối khó khăn. Hầu hết các cửa hàng cùng chung câu trả lời chung là “hết vàng”, bao gồm cả vàng nhẫn và vàng miếng SJC. Ngay cả khi khách đề nghị đặt hàng, thanh toán trước để nhận vàng sau thì cửa hàng cũng không dám nhận, vì chưa biết khi nào mới có vàng trở lại.
Trên kênh online, mặc dù 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) và Công ty SJC đều đã thực hiện bán vàng nhưng việc "săn" được “slot” mua vàng cũng không dễ dàng gì. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, khi truy cập app hoặc trên các website các ngân hàng, doanh nghiệp ngay đầu giờ sáng đều đã ghi nhận tình trạng chậm, lag mạng hoặc thông báo hết vàng để bán.
Trong khi việc mua vàng trên thị trường chính thống gặp nhiều khó khăn thì trên “chợ mạng”, hàng loạt nhóm mua – bán vàng online nở rộ. Theo khảo sát của phóng viên, vào chiều ngày 14/10, trong khi giá vàng SJC được các ngân hàng và Công ty SJC niêm yết ở mức mua vào – bán ra 83,00 – 85,00 triệu đồng/lượng thì trên các chợ online, thương hiệu vàng này đang được giao dịch quanh 86 triệu đồng/lượng.
Mức chênh khoảng 1 triệu đồng/lượng cũng là mức chênh chung của thị trường tự do so với niêm yết chính thức tại các ngân hàng, doanh nghiệp đối với vàng SJC. Còn vàng nhẫn, giá chênh cũng dao động khoảng 500 – 700 nghìn đồng mỗi lượng.
Không chỉ vậy, trên các hội nhóm còn nhan nhản các thông tin nhận đăng ký thuê slot mua vàng online. Theo một thông tin rao trên mạng, giá đăng ký mua vàng SJC online là 50 nghìn đồng/lượng. Một người khác rao đăng ký với giá 150.000 đồng/2 lượng tại địa bàn Hà Nội, TP.HCM; 90.000 đồng/2 lượng tại các tỉnh, thành phố khác…
Tình trạng vàng “hai giá” diễn ra khá phổ biến kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để bán vàng trực tiếp đến tay người dân. Dù giá vàng được bình ổn, song do nhu cầu mua vàng quá cao, trong khi việc mua bán trở nên khó khăn đã khiến xảy ra tình trạng mua bán trao tay như trên.
Không chỉ vậy, việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ, không đáp ứng các quy định, điều kiện kinh doanh vàng phải đóng cửa.
Thậm chí, ngay cả Công ty SJC cũng có thời gian tạm dừng các cửa hàng kinh doanh vàng tại Đà Nẵng không rõ lý do. Tình trạng này cũng góp phần khiến việc mua bán vàng gặp trở ngại.
Cần những biện pháp dài hơi
Trong trả lời phản ánh từ người dân về việc mua bán vàng miếng khó khăn mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ 3/6/2024 đến nay, cơ quan này đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân.
Từ khi tổ chức thực hiện phương án nêu trên, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức: Thực hiện nghiêm túc phương án bán vàng miếng SJC; Tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bán vàng miếng tại các điểm bán vàng miếng SJC; Đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, không để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện; Tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền trong hoạt động bán vàng; Đảm bảo việc tổ chức thực hiện bán vàng miếng SJC được hiệu quả, đúng mục tiêu.
“Vì vậy, trường hợp khách hàng có kiến nghị về cách thức bán vàng miếng SJC bằng phương thức trực tiếp hay đăng ký trực tuyến của Công ty SJC, NHNN đề nghị khách hàng liên hệ với Công ty SJC qua các kênh thông tin điện tử hoặc đến trực tiếp các điểm kinh doanh của Công ty SJC để được giải đáp” – Ngân hàng Nhà nước trả lời.
Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp quản lý thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt. Điều này dẫn tới tình trạng vàng hai giá như hiện nay, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây rủi ro cho thị trường và giảm niềm tin của người dân vào hiệu quả quản lý Nhà nước.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sớm triển khai các giải pháp dài hơi cho thị trường vàng.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền;
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Đồng thời, hiện nay, NHNN đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dan-than-kho-mua-vang-va-cau-chuyen-vang-hai-gia-post592562.antd