Dân tin, Đảng tín sao gọi là tham quyền cố vị
Trước ngày diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch phỏng đoán vu vơ về vấn đề nhân sự của Đảng rồi lan truyền trên mạng xã hội những luận điệu chống Đảng. Khi BCHTW Đảng họp bàn về nhân sự, chúng lại đoán già, đoán non, tung ra những lời lẽ xuyên tạc nhằm hạ bệ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đến khi Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng tiếp tục được đại hội bầu vào BCHTW Đảng khóa XIII, được Bộ Chính trị tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu tuyệt đối thì chúng hằn học, điên cuồng chống Đảng.
Chúng xuyên tạc: “Tổng Bí thư già mà còn tham quyền cố vị; tuổi cao thì sức yếu, trí tuệ mù mờ, người như vậy thì sẽ tiếp tục làm cho dân nghèo, đất nước lạc hậu. Chúng cay độc: “càng tham quyền càng tổn hại sức khỏe, tham quyền nhiều thì tuổi thọ ngắn lại. Từ đó, chúng chụp mũ: Tham quyền cố vị là bản chất của chế độ cộng sản; từ quan to, đến quan nhỏ; từ Trung ương đến địa phương đều tham quyền vì rằng: Chế độ cộng sản hễ làm quan thì giàu 3 họ; giàu đó từ tham nhũng mà có; quan giàu thì dân nghèo”.
Luận điệu đó cho thấy chúng chẳng hiểu biết gì về quy trình nhân sự của Đảng và cũng chẳng hiểu biết gì về lòng dân Việt Nam đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Qua 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng vai trò rất quan trọng đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, giành được những thành tựu vô cùng to lớn từ đối nội đến đối ngoại; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng tầm; thương hiệu Quốc gia Việt Nam lan rộng khắp 5 châu, 4 biển. Mới đây nhất, chỉ số hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam được thế giới xếp hạng thứ 5 toàn cầu và dẫn đầu khu vực Châu Á, vượt qua cả Singapore và Vương quốc Bhutan. Thành tựu này không phải do Đảng Cộng sản Việt Nam tự vẽ lên mà nó được đánh giá một cách công tâm, khách quan của Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) dựa trên cơ sở chỉ số hài lòng với cuộc sống; tuổi thọ trung bình; bình đẳng thu nhập; dấu chân sinh thái (ảnh hưởng tới môi trường tính trên đầu người). Đặc biệt, trong nửa cuối của nhiệm kỳ XI và toàn bộ nhiệm kỳ XII, uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần như tuyệt đối khi Tổng Bí thư “dựng lò” thiêu tham nhũng, đồng thời cũng là “người đốt lò” với câu nói nổi tiếng: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
“Diệt sâu cứu cây”, làm cho đất nước phát triển, Nhân dân hạnh phúc, lòng dân phấn khởi, tin yêu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là lẽ thường tình. Bởi vậy, không lạ gì khi trước ngày diễn ra Đại hội, nhiều người bày tỏ nếu Tổng Bí thư tiếp tục đảm đương vai trò Tổng Bí thư thì phúc cho dân, cho nước.
Ở lại vì “dân tin”; ở lại vì “Đảng tín” thì sao gọi là tham quyền cố vị.
Tham quyền cố vị không phải là bản chất chế độ mà là bản chất của con người, bản chất ấy xuất phát từ lòng tham. Nhưng không phải ai cũng tham. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng Bí thư là do nước cần, dân nguyện, Đảng mong, chứ không phải vì danh, bởi không có cái danh nào vẻ vang hơn được dân thương, Đảng quý. Tổng Bí thư tái cử cũng chẳng phải vì lợi ích vật chất, bởi theo Tổng Bí thư “chết có mang theo tiền được đâu”; gia đình của Tổng Bí thư là một gia đình mẫu mực, đời riêng Tổng Bí thư không một chút điều tiếng; con cái Tổng Bí thư sống bình dị, chẳng chức quyền …Tổng Bí thư không phải là típ người có lòng tham vì với Tổng Bí thư: " danh dự mới là điều cao quý và thiêng liêng nhất”.
Còn nói về tuổi cao sức yếu, quy luật tự nhiên này không ai cưỡng lại. Nhưng sức yếu không hoàn toàn đồng nghĩa với yếu về trí tuệ và ý chí. Người Việt Nam có câu: Tuổi cao ý chí càng cao; tuổi già nhưng chí không già; gừng càng già càng cay… Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đã lên 73,5 tuổi, thể trạng đã tốt hơn nhiều so với trước, nên 76 tuổi đảm đương nhiệm vụ Tổng Bí thư cũng không có gì là bất thường.
Nói chế độ cộng sản hễ làm quan thì giàu 3 họ; giàu đó từ tham nhũng mà có; quan mà giàu thì dân nghèo. Luận điệu này chỉ là một sự suy diễn, áp đặt. Không phủ nhận rằng có nhiều quan tham, giàu bất chính, bởi nhiều quan tham nên mới có chuyện “đốt lò”, nhưng không phải ai làm quan cũng tham, nói như vậy là xúc phạm, là xúc phạm, là “vơ đũa cả nắm” vì có không ít quan thanh liêm, chính trực; nhiều người làm quan chẳng có “cửa” để giàu. Mà giàu thì cũng có nhiều kiểu giàu, có quan giàu vì tham nhũng nhưng cũng có quan giàu mà không cần tham nhũng. Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam và trên thế giới, thời nào cũng có minh quân, thời nào cũng có loạn thần; thời nào cũng có bất lương, bất chính và thời nào cũng có những hào kiệt, chánh tâm, đại nghĩa. Khác nhau ở chỗ là chánh tâm nhiều hay ít; muôn dân ấm no, hạnh phúc hay cơ cực bần hàn.
Các thế lực thù địch quy chụp rằng bởi “quan giàu nên dân nghèo”, luận điệu này chỉ ở những kẻ “có tai như điếc, có mắt như mù” vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin và hình ảnh của tất cả các quốc gia trên thế giới đã không còn rào chắn, mọi sự kiện vấn đề hầu như được cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ trên nền tảng mạng xã hội.
Xin chứng minh: Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ nhưng quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Còn theo IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) thì: nếu tính theo sức mua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt tới 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người phải đạt trên 10.000 USD. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 cũng đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất...Riêng năm 2020, dưới tác động của Covid-19, nhiều nước rơi vào suy thoái còn Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương (+2,91%).
Việt Nam chưa giàu nhưng đã có tới 97,25% hộ dân không nghèo. Nhiều địa phương, sự giàu có của người dân nông thôn đã bắt kịp sự giàu có của người dân đô thị. Hãy về nông thôn Lâm Đồng mà xem, nhiều nơi “ra ngõ là có người giàu”…
Từ những lý lẽ và thực tiễn trên, khẳng định rằng những luận điệu xuyên tạc, chống Đảng, chống chế độ, hạ bệ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch chỉ là lời lẽ của những kẻ thiếu tâm, thấp tầm và vô cùng hoang tưởng.