Dân tộc Dolgan ở nơi lạnh giá nhất thế giới

Dolgan là một trong khoảng 30 dân tộc thiểu số ở phía Bắc nước Nga. Những dân tộc ở phía Bắc của Nga đã định cư tại khu vực này hàng nghìn năm. Đời sống tinh thần và vật chất của các dân tộc thiểu số trên đều bắt nguồn từ tài nguyên chung là rừng cây taiga. Mặc dù cuộc sống của các nhóm dân tộc phía Bắc Nga trong đó có người Dolgan đã thay đổi nhanh chóng khi quá trình công nghiệp hóa lan rộng khắp thế giới nhưng đất đai và các nguồn tài nguyên phương Bắc vẫn tiếp tục cung cấp sinh kế cho người Dolgan.

Người Dolgan chăn nuôi tuần lộc. Ảnh: JIMMY NELSON

Người Dolgan chăn nuôi tuần lộc. Ảnh: JIMMY NELSON

Từ thế kỷ 17, người Dolgan đã sống trên bán đảo Taimyr và dọc theo các phần hạ lưu của sông Yenisei ở khu tự trị Taimyr Dolgano-Nenets của Nga. Khu tự trị Taimyr Dolgano-Nenets rộng 862.100 km2 và có trung tâm hành chính tại thành phố cảng Dudinka. Khu tự trị nằm hoàn toàn về phía Bắc của Bắc Cực. Mùa Đông kéo dài và lạnh giá, với nhiệt độ trung bình trong tháng 1 ở thành phố Dudinka là âm 30 độ C. Mùa Hè chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn với nhiệt độ trung bình trong tháng 7 là 2 độ C đến 13 độ. Tổng lượng mưa từ 110mm đến 350mm mỗi năm.

Người Dolgan sống trong khu vực lãnh nguyên tại khu tự trị và kiếm sống bằng chăn gia súc, săn bắn. Trước đây, dân tộc Dolgan thường sống trong các loại lều truyền thống làm bằng da tuần lộc (hoặc vải bạt) hoặc sống những túp lều nhỏ được dựng bằng khung gỗ phủ da. Hiện nay, những người chăn thả gia súc và săn bắn động vật có thể có những căn hộ trong các ngôi làng. Các ngôi làng thường có các tòa chung cư nhỏ cùng phòng khám y tế, cửa hàng tạp hóa và trường học. Nhiều người Dolgans ngày nay di cư đến sống ở các thành phố lớn trong các tòa nhà chung cư với hệ thống ống nước và hệ thống sưởi trung tâm hiện đại.

Cuộc sống du mục của người Dolgan khá khắc nghiệt. Khi các gia đình người Dolgan di chuyển các đàn gia súc của họ từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác, họ cũng phải di chuyển nhà cửa và tài sản đi theo. Đàn ông Dolgan thường chịu trách nhiệm săn bắn động vật và đánh cá. Phụ nữ trong các hộ gia đình truyền thống chịu trách nhiệm may quần áo bằng lông thú, nấu nướng, sửa sang lều trại và xe trượt tuyết, chăm sóc trẻ. Thực phẩm chính của người Dolgan bao gồm thịt tuần lộc, cá, gà. Theo truyền thống, thịt và cá được chế biến luộc, sấy khô hoặc ăn sống. Cá thường được ngâm lên men trong các hố dưới đất. Trà đường luôn là thức uống trong mỗi bữa ăn của người Dolgan.

Người Dolgan thường có tập tục, trẻ mồ côi và trẻ em từ các gia đình nghèo thường được đưa vào các gia đình họ hàng để nuôi dưỡng. Ở các thị trấn và thành phố nơi người Dolgans làm các công việc trong nhà máy, xưởng sản xuất thì phụ nữ vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình và con cái. Do nhà đất đắt đỏ nên các cặp vợ chồng trẻ Dolgan và những người độc thân thường sống với cha mẹ của họ.

Về cách ăn mặc, người Dolgan ở các thị trấn và thành phố có xu hướng mặc quần áo hiện đại và khoác thêm áo cùng mũ lông thú vào mùa đông. Ở các ngôi làng nông thôn và khu vực du mục, người Dolgan thường mặc quần áo truyền thống phù hợp với các hoạt động săn bắn và chăn gia súc. Một chiếc áo khoác vải truyền thống được gọi là “sontap” được đàn ông và phụ nữ Dolgan mặc trong cả mùa hè và mùa đông. Vào mùa đông, một chiếc áo khoác thứ hai bằng lông cáo hoặc lông thỏ được mặc bên dưới lớp áo vải “sontap”.

Đôi khi vào mùa đông, thay vì khoác một chiếc áo khoác vải, người Dolgan sẽ mặc một chiếc áo khoác ngắn bằng da hươu. Thắt lưng thêu hạt cườm được khâu bên ngoài quần áo của cả nam và nữ. Áo sơ mi của đàn ông và tạp dề của phụ nữ Dolgan luôn được trang trí bằng hình thêu. Những chiếc mũ trùm đầu được gọi là “bergese” được trang trí bằng hình thêu và hạt cườm. Quần áo mặc trong những dịp đặc biệt thường tô điểm thêm hạt thủy tinh, nút kim loại, các loại da và lông thú có màu sắc khác nhau.

Theo số liệu điều tra dân số những năm gần đây của Nga, người Dolgan có số dân trên 7.000 người sống trên toàn Liên bang Nga. Ngày nay, người Dolgan được tiếp cận nhiều với các cơ hội học tập và việc làm; nhờ đó, họ có thể tham gia vào các vị trí tại chính quyền địa phương và các ngành nghề phi truyền thống trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, kinh doanh...

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dan-toc-dolgan-o-noi-lanh-gia-nhat-the-gioi-post446048.html