Đan Trường trở lại dòng nhạc Hoa lời Việt
Từ đầu năm 2021, trào lưu nhạc Hoa lời Việt gây sốt trở lại, nắm bắt xu hướng Đan Trường tung ra loạt bản phối làm lại từ những ca khúc đã từng làm nên tên tuổi của mình.
Trở lại với dòng nhạc Hoa lời Việt
Nam ca sĩ sinh năm 1976 sau 20 năm ca hát vẫn là giọng ca được mến mộ và sở hữu lượng người theo dõi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Âm nhạc của anh vào những năm đầu thập niên 2000 đã trở thành ký ức của không ít khán giả. Vậy nên, mỗi lần Đan Trường ra sản phẩm đều nhận được sự quan tâm nhất định.
Trong năm 2021, ngoài việc tham gia những chương trình truyền hình và biểu diễn ở một loạt sân khấu, Đan Trường cũng đẩy mạnh việc phát hành nhạc với tầm vóc của một nghệ sĩ gạo cội, phục vụ lượng công chúng riêng của mình thay vì chạy theo những bảng xếp hạng nhạc số.
Mặt khác, trong bối cảnh nhạc Hoa lời Việt đang được yêu mến và nhiều ca sĩ trẻ cũng thể hiện thành công thể loại này như Tăng Phúc – Trương Thảo Nhi, Quang Đăng hay Juky San với loạt bài hát làm lại từ những ca khúc tiếng Trung nổi tiếng, Đan Trường cũng khó có thể bỏ qua xu hướng mà mình đã từng dẫn đầu.
Anh cùng học trò Trung Quang thể hiện lại ca khúc "Sao đổi ngôi”, qua bản phối mới từ bàn tay Tùng Acoustic. Đan Trường cũng thể hiện bản nhạc Hoa lời Việt – “Thiên hạ hữu tình nhân” cùng Juky San, ca khúc từng lên vị trí cao ở top thịnh hành. Sau đó, anh tiếp tục phát hành bản nhạc Hoa lời Việt “Phi điểu và ve sầu”.
Đặc biệt, ngày 6/8 vừa qua, anh tiếp tục cho ra mắt sản phẩm tiếp theo trong dự án "Hoa hát" - đánh dấu 20 năm ca hát của nam ca sĩ là liên khúc “Vầng trăng đêm trôi” và “Tâm hồn xao động”. Sau 3 ngày, liên khúc này hút gần 150.000 lượt nghe.
Sử dụng phong cách acoustic thịnh hành
“Vầng trăng đêm trôi” và “Tâm hồn xao động” hay “Sao đổi ngôi” đều được phối lại dưới bàn tay của nhạc công guitar danh tiếng Tùng Acoustic khiến cho các sản phẩm mới lạ hơn dù lời bài hát đã cũ. Đây cũng là chất nhạc mà nhiều ca sĩ sử dụng cho bài hát của mình gần đây.
Một loạt sản phẩm trong các chương trình sử dụng nhạc acoustic thu hút hàng triệu lượt xem, cho đến vài chục triệu lượt xem. Điển hình như “Chỉ là không cùng nhau” - ca khúc nhạc Hoa lời Việt của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi - trở thành hiện tượng hồi đầu năm, đến nay hút hơn 80 triệu lượt nghe.
Bản mashup “Ngày chưa giông bão” và “Always Remember Us This Way” của Hòa Hinzy - Văn Mai Hương trong một chương trình khác với phong cách tương tự, hút gần 50 triệu lượt nghe. Có thể thấy, nhiều ca khúc làm mới theo hình thức này đang tạo sức hút mạnh mẽ.
Điều này được lý giải là do sự cộng hưởng của các yếu tố: được thể hiện bởi các tên tuổi đang nổi danh, được đầu tư chỉn chu âm nhạc, với nhiều nhạc cụ cùng nhau kết hợp. Cách hát của các ca sĩ có chất mới, thậm chí phá cách. Tất cả được làm rất hoàn chỉnh tập trung đẩy cảm xúc cho người nghe.
Tuy nhiên, ở những sản phẩm của Đan Trường, chỉ giọng hát của anh là vẫn giữ được đẳng cấp còn lại từ cách xử lý cho đến âm nhạc đều không mới, Tùng Acoustic cũng chưa cho thấy khả năng sản xuất âm nhạc vượt trội. Hiệu ứng kém của liên khúc mới nhất sau 2 ngày ra mắt đã phản ánh chất lượng của nó.
Qua 2 ca khúc, cách Đan Trường nhả chữ, luyến láy và ngân không lẫn vào đâu. Riêng giọng hát của nam ca sĩ sinh năm 1976 vẫn ngọt ngào, kỹ thuật, cảm xúc như xưa. Nhưng tổng thể bản liên khúc, đặc biệt ở cách phối chưa đủ xuất sắc để thật sự phát huy giọng hát Đan Trường.
Có thể thấy, sự trở lại của Đan Trường qua những sản phẩm được trình làng trong năm 2021 chưa tạo nên dấu ấn mạnh mẽ của riêng anh. Bởi đây là giai đoạn thị trường nhạc Việt bắt đầu tiếp cận xu hướng quốc tế. Một ca khúc hay phải đến từ giọng hát tốt và âm nhạc hiện đại, có chiều sâu.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dan-truong-tro-lai-dong-nhac-hoa-loi-viet-post150304.html